Với dân số 120 triệu người, tổng số nông dân của Nhật Bản lại không nhiều. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2021, dân số nông thôn của Nhật Bản chỉ chiếm 8%. Một mặt là do trong một thời gian dài, tỷ lệ sinh của Nhật Bản khá thấp. Mặt khác, những người trẻ từ nông thôn đều đổ xô đến các thành phố, khao khát một thế giới rộng lớn hơn và trải nghiệm những điều tuyệt vời hơn.

shutterstock 2144927445
(Ảnh minh họa: imagenavi/ Shutterstock)

Tuy nhiên, nếu là người Nhật, tôi sẽ chọn làm nông dân, vì 3 lý do sau:

Thứ nhất, thu nhập không thấp, chính phủ rất coi trọng nông dân.

Ở Nhật Bản không có nhiều nông dân, nhưng gạo lại có thể tự cung tự cấp, nghĩa là 8% dân số nông nghiệp nuôi sống 120 triệu người Nhật. Điều này có được là nhờ vào nền nông nghiệp ở Nhật Bản được cơ giới hóa.

Thu nhập của nông dân Nhật Bản hầu như thấp hơn các thành phố hạng nhất một chút, nhưng chi phí sinh hoạt thấp, nên không có nhiều sự khác biệt về chất lượng cuộc sống giữa một người ở nông thôn Nhật Bản và một nhân viên văn phòng ở Tokyo.

Thu nhập của nông dân Nhật Bản khá tốt, do giá nông sản Nhật Bản cao, tỷ suất lợi nhuận lớn. Một người Trung Quốc sống ở Nhật Bản nhiều năm cho biết, gia đình anh có một mảnh sân nhỏ, trồng rau trong sân tự cấp và bán cho hàng xóm, thu nhập cũng khá đáng kể. Anh nửa đùa nửa thật rằng trong tương lai, anh sẽ thuê một mảnh đất và trở thành nông dân ở Nhật Bản.

Để tăng số lượng nông dân, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho nông dân. Nếu mua máy móc nông nghiệp, họ sẽ trực tiếp nhận được trợ cấp hoàn lại bằng tiền mặt, chứ không phải trợ cấp cho các công ty bán thiết bị. Nếu là trồng lúa, mỗi mẫu cũng được trợ giá với mức không hề thấp, giúp nông dân không bao giờ thua lỗ.

Ở Nhật Bản, bất kể đảng chính trị nào được bầu, quyền lợi của nông dân cũng đều được coi trọng. Không có nhiều nông dân và số phiếu bầu cũng không nhiều, nhưng nông nghiệp và lợi ích của người nông dân đều được coi trọng. Điều này tương tự như việc “chăm sóc người già, trẻ nhỏ”, có thể giành được uy tín tốt trong xã hội và mang lại nhiều phiếu bầu.

2. Thành thị và nông thôn khác biệt nhỏ, phúc lợi xã hội nhiều

shutterstock 188909930
Phụ nữ trẻ Nhật Bản với trang phục truyền thống kimono thu hoạch lá chè xanh trên nông trường trồng chè vào ngày 23/4/2014 ở Mitoyo Kagawa, Nhật Bản. (Nguồn: akiyoko/ Shutterstock)

Sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn ở Nhật Bản tương đối nhỏ. Ngoại trừ việc có ít người hơn, không có nhà cao tầng, không có tiệc tùng, về cơ bản, mọi thứ cần đều có, và bạn sẽ không cảm thấy cuộc sống bất tiện.

Ví dụ, một trường công lập ở nông thôn Nhật Bản, dù chỉ có 10 học sinh, mô hình của ngôi trường này cũng sẽ giống với những trường công lập ở thành thị. Nhật Bản có tỷ lệ sinh thấp và ít trẻ em, một số trường tiểu học nông thôn chỉ có 10 học sinh. Trường tiểu học ở nông thôn cũng có thư viện, phòng thí nghiệm, khán phòng và sân thể thao, chỉ là quy mô nhỏ hơn so với các trường công lập ở đô thị.

Giáo viên ở Nhật Bản là công chức, và chịu sự kiểm soát của ủy ban giáo dục địa phương. Giáo viên Trung Quốc thường không chuyển trường, và luôn dạy ở một nơi. Tuy nhiên, giáo viên Nhật Bản phải luân chuyển về dạy ở các trường nông thôn theo sự sắp xếp của Ủy ban Giáo dục.

Một nhà giáo ưu tú không chỉ dạy ở các trường thành thị, mà cũng phải dạy tại các trường nông thôn. Tất cả giáo viên đều được “điều động”, và thông qua sự “luân chuyển” này, giáo dục giữa thành thị và nông thôn chênh lệch không quá lớn.

Trên thực tế, Nhật Bản cũng có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, như phúc lợi xã hội về sinh sản, lương hưu, chăm sóc y tế ở nông thôn tốt hơn ở thành thị … Một số phúc lợi xã hội ở nông thôn thậm chí còn gấp đôi so với các khu đô thị. Ví dụ, học sinh thành thị được miễn chi phí y tế cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trong khi học sinh nông thôn lại được miễn chi phí y tế cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

3. Có nhà cửa, xe hơi và được chuyển hộ khẩu tự do

shutterstock 1656360121

Ngôi nhà Gassho-zukuri tại làng Suganuma, khu Gokayama, thành phố Nanto, tỉnh Toyama, Nhật Bản. Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, Làng lịch sử Shirakawa-go và Gokayama. (Nguồn: NavinTar/ Shutterstock)

Nhà của người dân nông thôn Nhật Bản nói chung là những căn nhà 2 hoặc 3 tầng, trước nhà có một bãi đất phẳng, đậu vài chiếc ô tô. Cảnh này thường xuất hiện ở nông thôn Nhật Bản.

Người Nhật không theo đuổi xe sang cho lắm, nên việc mua một vài chiếc cũng không quá tốn kém. Họ chủ yếu tập trung vào tính thiết thực và tiện dụng, chứ không phải xe sang. Người Nhật thường thích loại xe K-car nhỏ xinh, dễ thương.

Ở nông thôn Nhật Bản, hầu như không có con đường đất có ổ gà nào, tất cả đều là đường nhựa nối với thành phố. Bạn có thể lái xe đến một thị trấn nhỏ trong khoảng 10 phút và sau đó lái xe đến một thành phố nhỏ trong khoảng 20 phút.  Muốn mua sắm có thể lái xe đến một thị trấn nhỏ hoặc thành phố nhỏ. Nông dân Nhật Bản không thể tách rời chiếc xe hơi, việc không có xe hơi thực sự rất bất tiện.

Người Nhật có thể dễ dàng chuyển hộ khẩu và họ hoàn toàn được di chuyển tự do. Ví dụ, một người ở vùng nông thôn Hokkaido muốn nhập khẩu tại Tokyo, họ chỉ cần điền vào biểu mẫu tại nơi tiếp công dân của chính phủ, hộ khẩu của họ sẽ được chuyển đến Tokyo và trở thành người gốc Tokyo chỉ trong vài giây. Họ không cần mua nhà, cũng không cần đơn đồng ý chuyển chỗ ở từ văn phòng khu phố địa phương, v.v.

Phong cảnh nông thôn Nhật Bản thường khiến mọi người gợi nhớ đến 2 bộ phim hoạt hình “Mùa hè của Kikujiro” của Kitano Takeshi và “Gió nổi” (The Wind Rises) của Hayao Miyazaki. Cuộc sống nông thôn và phong cách nông thôn mà tôi khao khát gần giống với nông thôn Nhật Bản, vì vậy tôi thực sự muốn trở thành một nông dân Nhật Bản.

iew
Cảnh trong phim hoạt hình “Gió nổi”.

Tiểu Phàm / Vision Times