Mỡ bò có tốt hơn dầu thực vật không? Sự thật làm thay đổi nhận thức của bạn
- Dương Cảnh Đoan
- •
Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ – ông Robert F. Kennedy Jr. – gần đây đã kêu gọi các chuỗi thức ăn nhanh thay thế dầu thực vật bằng mỡ bò để chiên khoai tây. Vậy mỡ bò có thực sự tốt cho sức khỏe hơn dầu thực vật? Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại vấn đề dầu mỡ ăn uống để đưa ra lựa chọn lành mạnh hơn.
Trong vài thập kỷ qua, dầu thực vật được xem như biểu tượng của chế độ ăn uống lành mạnh, bởi vì các loại dầu như dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu nho… rất giàu axit béo không bão hòa. Tuy nhiên, hầu hết các loại dầu thực vật tinh luyện đều chứa nhiều axit béo Omega-6, và khi nấu ở nhiệt độ cao, chúng rất dễ bị oxy hóa, tạo ra chất béo peroxit và gốc tự do – những chất này liên quan đến viêm mãn tính, bệnh tim mạch, thậm chí cả Alzheimer.
Các nghiên cứu cho thấy: Với các loại dầu thực vật thương mại có nhãn chứa Omega-3, Omega-6 và Omega-9, khi thời gian đun nóng tăng lên, axit béo không bão hòa đa bị phân hủy nghiêm trọng, còn axit béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (trans fat) lại tăng lên. Việc tiêu thụ quá nhiều transfat sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và kháng insulin.
Đặc biệt là những loại dầu vốn được xem là “lành mạnh” như dầu salad hay dầu xào nấu, nếu bị đun nóng trên 180 độ C, thì đã bắt đầu biến tính. Vì vậy, loại dầu mà bạn đang dùng hàng ngày để xào nấu có thể đang âm thầm gây hại cho cơ thể mà bạn không hay biết.
Các loại dầu lành mạnh thường gặp
Mỡ bò là một loại chất béo có độ ổn định cao, thích hợp cho việc nấu nướng ở nhiệt độ cao. So với dầu thực vật, nó tạo ra ít chất có hại hơn khi ở nhiệt độ cao, tốc độ oxy hóa cũng chậm hơn, có thể ổn định và an toàn hơn dầu thực vật.
Dầu dừa giàu axit béo chuỗi trung bình, dễ dàng được cơ thể hấp thụ và chuyển hóa thành năng lượng. Dầu dừa phù hợp với người có khả năng trao đổi chất yếu hoặc nhu cầu năng lượng cao. Tuy nhiên, đối với người có cholesterol cao, không nên tiêu thụ nhiều dầu dừa.
Dầu ô liu là thành phần cốt lõi trong chế độ ăn Địa Trung Hải, giàu axit béo không bão hòa đơn, có tác dụng chống viêm. Nhưng dầu ô liu không thích hợp cho việc nấu ở nhiệt độ cao, vì khi xào nấu ở nhiệt độ cao dễ khiến chất béo bị biến tính.
Cân bằng cấu trúc chất béo
Chỉ khi duy trì được sự cân bằng trong cấu trúc chất béo thì mới có thể đạt được sức khỏe thực sự. Điểm then chốt là tỷ lệ giữa Omega-6 và Omega-3. Trong ba mươi năm qua, với cấu trúc ăn uống hiện đại, lượng Omega-6 như dầu ngô, dầu đậu nành được hấp thụ quá nhiều, trong khi lượng Omega-3 lại giảm, dẫn đến tỷ lệ Omega-6 và Omega-3 bị mất cân bằng, từ tỷ lệ lý tưởng 1:1 tăng lên 20:1, thậm chí còn cao hơn. Sự mất cân bằng này dẫn đến tình trạng thừa cân và béo phì gia tăng đáng kể, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch.
Ngoài ra, bất kể sử dụng mỡ bò, dầu cải hay các loại chất béo khác, việc chiên rán ở nhiệt độ cao đều sẽ gây tổn hại cho sức khỏe. Khi nhiệt độ dầu vượt quá 200 độ C, dù là mỡ bò hay dầu ô liu, đều có thể sản sinh ra các chất có hại như chất béo chuyển hóa, acrylamide… Việc tiêu thụ lâu dài sẽ đẩy nhanh tổn thương do gốc tự do, lão hóa tế bào, và gây ra viêm mạn tính.
Vì vậy, nên áp dụng các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ thấp như hấp, hầm, chiên nhẹ… để giảm thiểu tối đa tổn hại do oxy hóa chất béo gây ra cho cơ thể.
Lựa chọn loại dầu phù hợp với cơ thể
Việc lựa chọn dầu ăn không nằm ở chỗ loại dầu nào được coi là “tốt” chung chung, mà là phải chọn loại dầu phù hợp với thể trạng và tình trạng sức khỏe của từng người. Thể trạng và tình trạng sức khỏe khác nhau thì phù hợp với các loại dầu mỡ khác nhau..
Những người có chuyển hóa kém, cơ thể yếu, sợ lạnh có thể bổ sung một lượng vừa phải dầu dừa hoặc mỡ bò để giúp cơ thể sinh nhiệt và tạo năng lượng.
Người đang mắc viêm mãn tính, mỡ máu cao nên hạn chế tiêu thụ dầu thực vật giàu Omega-6, và thay vào đó bổ sung Omega-3 từ dầu hạt lanh, dầu cá biển sâu…
Nếu bạn muốn tự nấu ăn nhưng lo lắng về vấn đề sức khỏe do nấu ở nhiệt độ cao, có thể dùng dầu ô liu khi nấu ở nhiệt độ vừa hoặc thấp, và chọn mỡ bò hoặc bơ sữa khi cần nấu ở nhiệt độ cao để giảm nguy cơ oxy hóa chất béo. Việc lựa chọn và sử dụng dầu mỡ một cách thực sự lành mạnh cần đảm bảo tính đa dạng, hợp lý và cân bằng. Muốn ăn uống khỏe mạnh và an tâm, hãy bắt đầu từ việc biết cách chọn dầu.
Từ khóa dầu thực vật mỡ bò
