Vì sao bà mẹ Mỹ cho con tránh xa “trường tiểu học trọng điểm”?
- Minh Ngọc
- •
Chia sẻ của một người Trung Quốc
Gia đình cháu gái tôi sống tại một thị trấn nhỏ nằm ở vịnh san Francisco thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ, tên thị trấn dịch ra tiếng Trung có nghĩa là “ngôi làng hạnh phúc đầy hoa”. Nơi đây cách Thung lũng Silicon và San Francisco không xa, có không ít những người gốc Hoa trí thức sinh sống tại đây.
Con của người Hoa sống ở “làng hạnh phúc” này trong độ tuổi tiểu học chiếm tỷ lệ khá cao. Do chịu ảnh hưởng bởi văn hóa truyền thống, con của người Hoa đặc biệt chăm chỉ trong học tập, bé nào cũng được điểm cao, điều này làm cho thành tích học tập của trường tiểu học nói chung trở nên nổi bật. Đây là điều hiếm thấy và trở nên nổi tiếng trong khu vực. Nếu nói theo cách của Trung Quốc thì đây là một “trường tiểu học trọng điểm” có danh tiếng.
Thế nhưng, người Mỹ lại sợ những “ngôi trường trọng điểm” này như sợ “cọp” vậy.
Không lâu trước đây, tôi cùng chồng đi Mỹ thăm thân, chúng tôi đến sống ở nhà cháu một khoảng thời gian. Bên cạnh nhà cháu gái tôi có một hộ hàng xóm người Mỹ, họ cư xử rất thân thiện. Cháu tôi có 2 bé gái rất thông minh lanh lợi, cháu tôi rất vui khi có thể cho các con của mình một môi trường sống và học tập tốt như vậy.
Có một ngày, hai vợ chồng người Mỹ đưa con họ đến nhà cháu gái tôi và báo rằng ngày mai họ sẽ chuyển đi nên đến để tạm biệt.
Cháu gái tôi tỏ ra khó hiểu và hỏi, chúng ta sống rất hòa hợp với nhau, trường của các con cũng rất xuất sắc, vì sao lại phải chuyển đi? Hai vợ chồng kia cho hay, chính vì ngôi trường này quá mức “xuất sắc” nên họ mới quyết định chuyển nhà.
Cháu tôi hỏi vì sao lại thế?
Họ chia sẻ rằng ngôi trường này giống như “cọp” vậy, họ và các con đều rất sợ.
Cháu tôi lại khó hiểu hỏi, trường học sao lại biến thành cọp được? Họ cho biết, là do trẻ em Trung Quốc bé nào cũng giống như những “con cọp con”! Các bé học hành rất khắc khổ, điểm thi thì chỉ có hơn chứ không có kém, họ không chịu nổi khi sống trong môi trường như vậy, các con của họ cũng bị áp lực rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của các bé.
“Suy nghĩ một chút thì nếu để các con phải chịu áp lực về điểm số trong khoảng thời gian dài, lòng tự tin của các bé sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, từ đó sẽ khiến các con bi quan, thậm chí là gây ra hậu quả nghiêm trọng như đánh mất chính mình. Nếu vậy thì còn nói gì đến lý tưởng và sáng tạo nữa đây? Chẳng phải như vậy là sẽ hủy hoại con trẻ hay sao? Vì vậy chúng tôi quyết định chuyển nhà, chính là để con của chúng tôi tránh được môi trường học tập căng thẳng. Tránh đi là vì sự trưởng thành lành mạnh của các con. Vì vậy nên mong các bạn hiểu cho. Chúng tôi thật lòng xin lỗi, chúng tôi cũng không muốn đánh mất những người hàng xóm tốt bụng như các bạn. Thế nhưng việc của con trẻ là việc đại sự, vì thế không thể không chuyển nhà được. Xin yên tâm, chúng tôi sẽ thường xuyên đến thăm các bạn.”
Sau khi nghe những gì cặp vợ chồng người Mỹ này chia sẻ, tôi, chồng tôi và gia đình cháu gái đều sững sờ, trong lòng chúng tôi đều cảm thấy bị chấn động.
Vì sao cần phải đưa các con tránh xa môi trường học tập quá nặng nề và đầy sự cạnh tranh quyết liệt? Điều này là rất khó tin ở Trung Quốc, bởi vì hầu như tất cả các bậc phụ huynh Trung Quốc đều cố “đi cửa sau”, xây dựng quan hệ, không tiếc tiền để cho con vào trường trọng điểm. Cứ như thể chỉ có cách này thì các con mới có được một tương lai tươi sáng, sau này mới thi được vào các trường đại học tốt.
Kết quả là có hàng ngàn đứa trẻ bị giam cầm trong những chiếc lồng nhỏ để cạnh tranh với nhau, bị ràng buộc với điểm số, thi cử. Vậy còn tuổi thơ của các em thì sao? Thiên tính của các bé thì sao? Sự mơ mộng và khả năng sáng tạo của trẻ sẽ đi về đâu? Tất cả những gì đáng lẽ thuộc về trẻ đều bị bóp nghẹt. Thế nhưng, những “con hổ con” được huấn luyện theo kiểu chỉ biết đến điểm cao như thế này liệu có thật sự giỏi hay không? Tương lai các bé có thật sự gánh vác được những trọng trách lớn hay có giành được giải Nobel hay không? Chúng ta phải bắt đầu lo lắng về điều này.
Lúc này, đối diện cặp vợ chồng người Mỹ, quan niệm dạy con truyền thống của chúng tôi bắt đầu bị dao động. Việc họ tránh xa ngôi trường chỉ biết thi cử và điểm số của Trung Quốc vì sức khỏe của con trẻ chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm một cách sâu sắc.
Theo Aboluowang.com
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Giáo dục con Giáo dục Trung Quốc người Mỹ