Bộ đồ bay gắn động cơ điện đầu tiên trên thế giới
- Hạ Chi
- •
Bộ đồ bay gắn động cơ do vận động viên nhảy dù chuyên nghiệp Peter Salzmann thiết kế cùng hãng BMW sẽ giúp tăng độ kích thích cho một trong những môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới.
Wingsuit flying (tạm dịch: Người bay), ra đời vào những năm 1990 và được xem là một trong những môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới. Người chơi môn này khoác lên mình bộ trang phục thiết kế từ chất liệu siêu nhẹ và nhảy xuống từ các vị trí cao như đỉnh tháp, nhà chọc trời, đỉnh núi…, sau đó uốn lượn trên không trung, rồi tiếp đất bằng dù.
Bộ trang phục “sóc bay” của môn này giúp người chơi lướt đi trong không trung, nhưng lại hạn chế ở chỗ chỉ có thể tăng tốc bằng trọng lực. Quỹ đạo bay không thể hướng lên trên mà chỉ có thể đi xuống.
Tuy nhiên, điều này từ nay có thể sẽ thay đổi với thiết kế mới của vận động viên nhảy dù chuyên nghiệp Peter Salzmann. Sau nhiều năm ấp ủ việc cải tiến bộ đồ sóc bay truyền thống, mới đây anh Salzmann đã kết hợp cùng những chuyên gia tại xưởng thiết kế Designworks của hãng xe BMW để chế tạo ra một bộ động cơ đẩy gắn trước ngực phù hợp với môn thể thao này.
Ban đầu anh định gắn bộ thiết bị vào lưng nhưng sau đó chuyển sang lắp trước ngực để giảm trọng lượng và tận dụng được dòng khí có ích trước mặt người bay. Bộ thiết bị có hai động cơ đẩy dài 13cm và quay với tốc độc 25.000 vòng/phút này mặc dù đã được thiết kế gọn nhất có thể nhưng trông vẫn khá cồng kềnh khi khoác lên người. Nó có trang bị nút tắt mở, van tiết lưu điều chỉnh vận tốc và một nút tắt nguồn dùng trong trường hợp khẩn cấp. Sức nặng của bộ đồ cộng với việc phải kiểm soát cả dòng khí tự nhiên lẫn dòng khí thoát ra từ động cơ khiến người dùng phải vất vả và có sức khỏe tốt hơn bình thường mới điều khiển được.
Công suất của động cơ điện là tương đối nhỏ, chỉ khoảng 15kW và duy trì được trong 5 phút, nhưng hiệu quả mà nó mang lại khá ấn tượng. Bộ đồ sóc bay bình thường chỉ có thể khiến người bay được với tốc độ 100km/h và tỷ lệ số mét rơi trên số mét trượt ngang là 1:3. Còn bộ đồ mới gắn động cơ điện của anh Salzmann có thể giúp người mặc đạt được vận tốc tới 300km/h và bay ngược lên trên thay vì rơi xuống dưới.
Sau những thử nghiệm tại hầm gió của BWM tại Stockholm (Thụy Điển) và khoảng 30 lần nhảy thử nghiệm trên thực địa, bộ đồ đã được phép ra ngoài trình diễn trước công chúng. Kế hoạch ban đầu của những người sáng chế là mang nó tới Busan, Hàn Quốc và bay qua 3 tòa nhà chọc trời, với tòa cuối cùng cao hơn nhiều so với 2 tòa nhà còn lại.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ngăn màn trình diễn để đời này trở thành hiện thực. Không chấp nhận đầu hàng dịch bệnh, anh Salzman đã đem sản phẩm của mình tới những đỉnh núi Del Brüder thuộc dãy Hohe Tauren tại Áo. Anh cùng 2 người bạn khác đã cùng nhau thử thách từ độ cao 3.050m. Hai người bạn kia sử dụng đồ sóc bay bình thường, còn anh Salzman dùng bộ đồ gắn điện. Cú nhảy đã diễn ra thành công, và bộ đồ gắn điện giúp anh tăng tốc và vượt qua được đỉnh núi cuối cùng, trong khi 2 người còn lại đành chấp nhận bay là là quanh nó.
Ngoài bộ đồ bay này của anh Peter Salzman, thế giới còn biết đến bộ đồ tên lửa của “Jetman” người Thụy Sỹ tên Yves Rossy. Bộ đồ này có 4 động cơ tua-bin phản lực cực mạnh, có thể giúp anh bay thẳng đứng từ mặt đất lên trên không như một quả tên lửa với vận tốc 400km/h.
Tuy vậy, bộ đồ tên lửa này rất đắt đỏ và tạo ra âm thanh quá lớn có thể nghe thấy từ cách xa nhiều km. Trong khi đó, thiết kế mới của anh Salzman lại rẻ hơn nhiều và được hãng BMW chế tạo, hoàn thiện tốt tới mức gần như có thể trở thành thương phẩm. Mặc dù vậy, vẫn chưa có thông tin gì về ngày mở bán cùng giá của mặt hàng nói trên. Hy vọng anh Peter Salzman sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình và đem đến cho người chơi thể thao mạo hiểm trên thế giới cơ hội được hiện thực hóa giấc mơ bay trên bầu trời!
Độc giả có thể thưởng thức cảnh bay lượn của anh Salzman ở video dưới đây:
Theo New Atlas,
Hạ Chi
Xem thêm:
Từ khóa công nghệ BMW Bộ đồ phản lực