Theo nghiên cứu về những tác động của di chứng kéo dài hậu COVID-19 (còn gọi là “Long COVID-19”) ở đối tượng vị thành niên được công bố hôm 1/9 vừa qua, cứ 7 trẻ lại có 1 em xuất hiện những triệu chứng liên quan đến virus corona nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par David Tadevosian/Shutterstock)

Theo nghiên cứu trên diện rộng về di chứng “Long COVID-19” đối với nhóm độ tuổi này, thì trẻ em hiếm khi trở bệnh nặng nếu nhiễm COVID-19, nhưng một số triệu chứng có thể kéo dài. Nghiên cứu, do Đại học College London và Cơ quan y tế Công cộng Anh (PHE) thực hiện, cho thấy trẻ em mắc bệnh từ 11-17 tuổi có thể biểu hiện từ 3 triệu chứng trở lên lâu hơn 15 tuần so với những người có kết quả âm tính.

Nghiên cứu được thực hiện trên 3.065 trẻ trong độ tuổi 11-17 tại Anh có kết quả xét nghiệm PCR dương tính trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, và với một nhóm gồm 3.739 em cùng độ tuổi xét nghiệm âm tính trong cùng giai đoạn.

Đối với nhóm xét nghiệm dương tính, 14% biểu hiện từ 3 triệu chứng trở lên, như mỏi mệt bất thường hay đau đầu kéo dài hơn 15 tuần so với chỉ 7% có những triệu chứng như vậy ở nhóm âm tính.

Các nhà nghiên cứu cho biết dù kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có 32.000 trẻ vị thành niên có thể xuất hiện tình trạng đa triệu chứng liên quan đến COVID-19 sau 15 tuần, nhưng sự phổ biến của “Long COVID-19” ở nhóm độ tuổi này là thấp hơn những gì mà nhiều người lo ngại hồi cuối năm 2020.

Ngoài ra các tác giả nghiên cứu cũng cho hay rằng quyết định mở rộng nhóm độ tuổi tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em từ 12-15 tuổi tại Anh không nên dựa trên kết quả nghiên cứu này, bởi hiện không đủ dữ liệu cho thấy liệu việc tiêm vắc-xin có chống lại được “Long COVID-19” hay không.

Theo Reuters,

Phan Anh

Xem thêm: