Một nhóm quốc tế gồm những chuyên gia về vắc-xin, trong đó có các quan chức đến từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết không có bằng chứng nào chỉ ra rằng người dân nói chung cần phải tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Studio Romantic/Shutterstock)

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu tiêm liều bổ sung quá sớm, chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn, trong đó có chứng viêm cơ tim hoặc hội chứng Guillain-Barre. Theo các nhà nghiên cứu, nếu điều đó xảy ra, thì nó sẽ khiến cho người dân khó chấp nhận vắc-xin hơn.

Bài báo được đăng tải hôm 13/9 vừa qua trên tạp chí y khoa The Lancet, trong đó có 2 tác giả và quan chức hàng đầu của FDA là Marion Gruber và Phil Krause, những người chịu trách nhiệm quản lý và phê duyệt vắc-xin. Theo FDA, cả Gruber và Krause đều dự kiến ​​rời khỏi cơ quan này trong những tuần tới mà không nêu lý do.

Các tác giả của bài báo trên cho biết rằng vắc-xin COVID-19 hiện tại có thể bảo vệ mạnh mẽ đối với các trường hợp và triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Họ còn lưu ý rằng khả năng bảo vệ chống lại tình trạng nhiễm bệnh có triệu chứng trước biến thể Delta đã sụt giảm.

Bên cạnh đó, họ nói thêm rằng bằng chứng hiện tại dường như không cho thấy sự cần thiết phải tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc tiêm liều vắc-xin bổ sung có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại hơn và đây là một hiện tượng chưa được hiểu rõ.

“Có thể tồn tại rủi ro nếu việc tiêm liều vắc-xin bổ sung được thực hiện trên diện rộng quá sớm hoặc quá thường xuyên, đặc biệt là với các loại vắc-xin có thể gây ra tác dụng phụ như chứng viêm cơ tim, thường xảy ra sau khi tiêm liều thứ 2 của một số vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA, hoặc hội chứng Guillain-Barre có liên quan đến vắc-xin COVID-19 sử dụng véc-tơ là virus adeno”, trích nội dung bài báo.

Trong thời gian gần đây, WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu không bắt tay vào sản xuất, phân phối hoặc bắt buộc tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước đã kêu gọi các nước giàu, trong đó có Mỹ, ngừng việc tiêm liều bổ sung cho đến cuối năm 2021.

“Tôi sẽ không im lặng khi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vắc-xin toàn cầu cho rằng người nghèo trên thế giới nên hài lòng với phần dư thừa lại”, ông phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra hôm 8/9. “Bởi các nhà sản xuất đã ưu tiên hoặc thực hiện các thỏa thuận song phương với các nước giàu sẵn sàng trả nhiều tiền nhất”.

COVID-19 là căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra.

Tờ The Epoch Times đã liên hệ với FDA để đưa ra bình luận về sự việc này.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: