5 thói quen chi tiêu sai lầm làm ‘bốc hơi’ tiền của bạn
- Tử Anh
- •
Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao mình luôn rơi vào tình trạng “rỗng túi” dù thu nhập không hề thấp? Những khoản chi tiêu nhỏ nhặt hàng ngày, những quyết định tài chính tưởng chừng vô hại có thể âm thầm bào mòn tài khoản của bạn. Dưới đây là 5 thói quen quản lý tài chính tệ hại mà nhiều người mắc phải khiến tiền bạc cứ thế “bốc hơi” mà không hề hay biết.
Dưới đây là 5 thói quen tài chính xấu phổ biến nhất do Business Insider tổng hợp. Hãy xem bạn mắc phải bao nhiêu trong số đó!
1. Chi tiêu vô tội vạ cho cà phê và món tráng miệng khi ăn trưa cùng đồng nghiệp
Giờ nghỉ trưa bạn thường ra ngoài ăn cùng đồng nghiệp. Nghĩ đến quãng thời gian làm việc vất vả, bạn tự nhủ: “Mình xứng đáng được thưởng một bữa ngon!”. Cả nhóm chọn một nhà hàng sang trọng, thưởng thức những món ăn hấp dẫn mà quên mất rằng đây lại là một khoản chi tiêu phát sinh. Cuối tháng, khi nhìn vào tài khoản bạn mới giật mình tự hỏi: “Tiền của mình đã đi đâu hết rồi?”
Chưa hết, trên đường trở về công ty, khi đi ngang qua quán cà phê bạn lại không cưỡng nổi việc mua thêm một ly cà phê hay một món tráng miệng cho buổi chiều. Lúc nào tôi cũng nghĩ: “Chỉ vài chục nghìn thôi mà, chẳng đáng là bao!” Thế nhưng, ngày qua ngày, những khoản chi nhỏ nhặt này cộng dồn lại thành một con số không hề nhỏ. Dù luôn nghĩ rằng mình không tiêu nhiều vào ăn uống hay giải trí, nhưng cuối cùng tài chính vẫn bị hao hụt đáng kể.
Giải pháp: Cách đơn giản nhất để kiểm soát thói quen này là ghi chép chi tiêu. Bạn cũng có thể chia nhỏ ngân sách theo tuần hoặc thậm chí theo ngày để dễ dàng theo dõi, từ đó cắt giảm những khoản không cần thiết và tiết kiệm hiệu quả hơn.
2. Vứt hóa đơn ngay sau khi thanh toán
Mỗi tháng, khi nhận được hóa đơn điện thoại hoặc sao kê thẻ tín dụng, bạn vội vàng thanh toán mà không đọc kỹ nội dung rồi tiện tay vứt đi. Tháng sau, bạn lại lặp lại y hệt như vậy.
Theo chuyên gia tài chính Natalie Taylor (CFP, Hoa Kỳ), các khoản chi tiêu hàng tháng có thể chia thành ba nhóm:
– Những khoản có thể kiểm soát (như chi tiêu ăn uống, mua sắm)
– Những khoản có thể điều chỉnh (như hóa đơn điện, nước, Internet)
– Những khoản không thể thay đổi (như tiền thuê nhà, bảo hiểm).
Các hóa đơn hàng tháng thuộc nhóm có thể điều chỉnh—tức là nếu bạn xem xét kỹ lưỡng, bạn hoàn toàn có thể cắt giảm hoặc tối ưu chúng.
Vì vậy, đừng chi tiêu một cách vô thức! Hãy tập thói quen kiểm tra kỹ các khoản phí, xem có chi tiêu nào không cần thiết hay có lỗi sai nào trong hóa đơn hay không. Một chút cẩn thận có thể giúp bạn tiết kiệm đáng kể mỗi tháng.
3. Tiêu quá tay cho những buổi tiệc tùng sau giờ làm
Sau giờ làm, tụ tập ăn uống với những người bạn lâu ngày không gặp là một niềm vui nho nhỏ giúp dân văn phòng xả stress. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên nhận lời mời mà không suy nghĩ, ăn những bữa thịnh soạn dù chẳng thật sự cần thiết, thì ví tiền của bạn sẽ nhanh chóng “xẹp” lúc nào không hay.
Hãy thử tự hỏi: Bạn có cần phải ăn sang mỗi lần gặp bạn bè kể cả khi đó là những người bạn thường xuyên gặp? Mỗi lần đồng nghiệp rủ đi ăn, bạn có dễ dàng đồng ý mà không đắn đo? Việc tham gia mọi buổi tiệc mà không cân nhắc dễ dẫn đến tình trạng chi tiêu quá tay, ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm lâu dài.
Thật ra, niềm vui từ những buổi gặp gỡ đến từ sự kết nối và trò chuyện chân thành chứ không nhất thiết phải là món ăn đắt tiền. Một lựa chọn hợp lý hơn là tổ chức gặp mặt tại nhà, mỗi người chuẩn bị một món đơn giản để cùng chia sẻ. Cách này vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo nên những khoảnh khắc gần gũi và nhiều câu chuyện thú vị hơn.
4. Để thẻ thành viên và phiếu giảm giá hết hạn một cách lãng phí
Bạn đã bao giờ hào hứng đăng ký thẻ thành viên hoặc lấy phiếu giảm giá khi thanh toán, nhưng sau đó lại quên sử dụng cho đến khi chúng hết hạn?
Thực ra, cách khắc phục vấn đề này rất đơn giản: hãy đặt thẻ thành viên và phiếu giảm giá ở nơi dễ nhìn thấy và dễ lấy nhất. Bạn có thể để chúng ở ngăn phía trước trong ví, cho vào một túi nhỏ trong suốt và để ngay ngăn ngoài cùng của túi xách, hoặc đặt ở chỗ dễ thấy trong xe như ngăn phía trước ghế lái. Nói ngắn gọn: hãy để chúng ở nơi bạn khó có thể quên.
5. Luôn thất bại trong việc đặt mục tiêu tiết kiệm
Đặt mục tiêu tiết kiệm là một điều rất đáng làm. Tuy nhiên, nhiều người thường bắt đầu năm mới với quyết tâm “sẽ tiết kiệm một khoản tiền nhất định”, nhưng rồi nhanh chóng bỏ quên mục tiêu đó. Họ tiếp tục chi tiêu tùy hứng, ăn uống xa hoa, mua sắm quần áo không cần thiết. Đến cuối năm, khi mở sổ ghi chép tài chính họ mới nhận ra: “Lại thất bại nữa rồi”.
Để tránh lặp lại sai lầm này, bạn nên cụ thể hóa mục tiêu tiết kiệm. Hãy viết rõ số tiền mình muốn tiết kiệm và dán bên cạnh con heo đất, hoặc biến con số đó thành hình ảnh đại diện cho ước mơ của bạn—chẳng hạn như một chuyến du lịch nước ngoài hay một ngôi nhà nhỏ xinh—rồi dán hình ở nơi dễ thấy trong phòng để luôn được nhắc nhở.
Thay vì đặt mục tiêu tiết kiệm cả năm, hãy chia nhỏ thành các khoản tiết kiệm theo ngày hoặc tuần. Ví dụ, nếu bạn tiết kiệm 50 nghìn đồng mỗi ngày, sau một năm bạn sẽ có khoảng 19 triệu đồng—đủ cho một chuyến du lịch tự túc.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina
Xem thêm:
Từ khóa bốc hơi tiền Sai lầm chi tiêu
