Doanh nghiệp Nhà nước đang ôm khối nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng
- Tú Mỹ
- •
“Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn.”
Báo cáo mới nhất về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2017 cho biết tổng tài sản của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện hơn 3 triệu tỷ đồng, trong khi tổng số nợ phải trả lên tới 1,5 triệu tỷ đồng.
Khối nợ trên của DNNN đã tăng thêm 1,3% so với năm 2016 và chiếm tới 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đáng chú ý, có khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty có số nợ phải trả cao hơn tới gấp 3 lần vốn chủ đầu tư, thậm chí một số DNNN có số nợ cao hơn gấp hàng chục lần.
Chẳng hạn, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân nợ gấp 45,56 lần; Tổng Công ty TNHH MTV Duyên Hải: 23,69 lần; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) gấp 8,1 lần; Tổng Công ty Thái Sơn là 9,2 lần; Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô có nợ gấp 5 lần vốn…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Nhà nước có số nợ vay từ các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vay 146.585 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 132.071 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ 48.648 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) 43.485 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là 28.417 tỷ đồng…
Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế của các DNNN đạt 154.569 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm 2016. Tuy nhiên, có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế gần 12.075 tỷ đồng; 2 công ty mẹ còn lỗ lũy kế gần 1.792 tỷ đồng trong năm 2017.
Ngoài ra, tổng nợ khó đòi của 83 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện vào khoảng 14.114 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016 và chiếm 3,8% tổng số nợ phải thu. Trong đó, PVN dẫn đầu với số nợ khó đòi gần 7.000 tỷ đồng, của Tập đoàn Cao su Việt Nam là trên 1.500 tỷ đồng…
Đánh giá về hoạt động đầu tư, quản lý và sử dụng vốn của khối DNNN trong năm qua, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn.
Bên cạnh đó, cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các sai phạm về giám sát, đánh giá còn chưa đầy đủ, nghiêm túc, báo cáo nêu.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Từ khóa DNNN Tổng công ty DNNN thua lỗ nợ công doanh nghiệp nhà nước