Nhằm tăng thêm sức mạnh ứng phó Trung Quốc tại khu tranh chấp ở Biển Đông, Philippines đã mua từ Ấn Độ 3 bộ tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos trị giá 375 triệu USD. Có phân tích cho rằng thương vụ đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực nâng cấp kho vũ khí quốc phòng của Philippines.

p3080761a143703549
Tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos là do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất (Nguồn: Public.Resource.Org/CC BY 2.0).

Theo Eurasian Times, ngày 14/1, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana của Philippines đã công bố một tài liệu thông qua mạng xã hội cho thấy nước này đã mua hệ thống tên lửa đất đối không BrahMos từ Ấn Độ nhằm tăng cường sức mạnh của Hải quân của mình. 

Ông Lorenzana cho biết trên Facebook: “Với tư cách là người phụ trách cơ quan mua sắm (HOPE), gần đây tôi đã ký dự án mua tên lửa chống hạm trên bờ của Hải quân Philippines. Chúng tôi đã đàm phán với Chính phủ Ấn Độ, bao gồm cả hoạt động đào tạo vận hành và bảo trì, cũng như gói hỗ trợ hậu cần tích hợp (ILS) cần thiết”.

Đầu tuần này, Ấn Độ cho biết họ đã bắn thử thành công một biến thể hải quân của tên lửa BrahMos từ một tàu Hải quân Ấn Độ. Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) công bố trong một tweet: “Hôm nay, một phiên bản tiên tiến của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đã được thử nghiệm từ tàu INS Visakhapatnam. Tên lửa bắn chính xác tàu mục tiêu chỉ định”.

Tháng 12/2021, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố họ đã bắn thử thành công phiên bản trên không của tên lửa hành trình BrahMos từ máy bay chiến đấu Sukhoi 30MK-I của Nga. Trong một thông báo, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Lúc 10:30 ngày 8/12/2021 tại khu thử nghiệm tích hợp Chandigarh ngoài khơi bờ biển Odessa, phiên bản trên không của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được phóng thành công từ máy bay chiến đấu siêu thanh Sukhoi 30 MK-I. Trong thử nghiệm này, tên lửa phóng từ máy bay đã đáp ứng tất cả các mục tiêu nhiệm vụ theo quỹ đạo đã định trước”.

Năm 2018, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với công ty BrahMos Aerospace để trang bị lại các máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ với hệ thống tên lửa hành trình BrahMos như một phần của việc nâng cao năng lực chống lại các mục tiêu tầm xa ở Ấn Độ Dương. Đây là đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của BrahMos cho Ấn Độ, quốc gia có tranh chấp biên giới nghiêm trọng với Trung Quốc ở phía đông bắc.

Công ty BrahMos Aerospace sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh có thể phóng từ tàu ngầm, tàu thủy, máy bay hoặc trên đất liền. Công ty được thành lập vào năm 1998 và được đặt theo tên của sông Brahmaputra và Moscow. Công ty đại diện phía Nga là NPO Mashinostroyenia – một tổ chức thiết kế tên lửa của Nga.

Nhà phân tích: Bắc Kinh rất tức giận

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại công ty tư vấn RAND của Mỹ, đã tweet: “Trung Quốc sẽ không vui! Đây là thông điệp chính thức, Philippines sẽ nhận được BrahMos của Ấn Độ”.

Một nhà phân tích địa chính trị khác là Collin Koh cho biết, Ấn Độ chỉ là bên tham gia mới thứ hai (sau Nga) trong cuộc đua tên lửa chống hạm siêu thanh ở Đông Nam Á. Ông cho biết thêm, đối với Philippines, nước này đã trở thành nước Đông Nam Á (ASEAN) thứ 3 có tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm, sau Indonesia và Việt Nam.

“Đối với Manila, tôi có thể nói rằng đó không chỉ là một bước đột phá – đó thực sự là một bước nhảy vọt”, Collin Koh cho biết qua Twitter.

Giới chuyên gia tin rằng mua BrahMos là một lựa chọn đáng giá cho một nước đang phát triển với nguồn lực hạn chế cho chi tiêu quốc phòng.

Tháng 3/2021, khi Philippines và Ấn Độ ký một thỏa thuận sơ bộ về giao dịch này, Đô đốc đã nghỉ hưu Rommel Jude Ong nói với BenarNews, “Đó là một giải pháp hiệu quả về chi phí để cung cấp cho Hải quân khả năng phòng thủ hàng hải”. Hiện chuyên gia này làm việc ở Viện Chính phủ tại Đại học Ateneo de Manila (Philippines).

Ông cho biết vào thời điểm đó: “BrahMos có tầm bắn 290 km và sẽ tạo vùng đệm phòng thủ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Nó cung cấp cho Hải quân lựa chọn nhiệm vụ ‘tiêu diệt’ trong trường hợp xảy ra xung đột”. Ông đề cập tới vùng đặc quyền kinh tế của Manila trên Biển Đông.

Vào thời điểm đó quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang căng thẳng vì có khoảng 200 tàu đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, được cho là do dân quân Trung Quốc điều hành.

Tình trạng căng thẳng ngoại giao này đã tiếp tục trong nhiều tháng sau đó, nhưng khi tình hình sau đó đã dịu đi thì giới chức Philippines cho biết các tàu trái phép của Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất hiện trong vùng biển thuộc sở hữu của Philippines ở Biển Đông.

Cùng lúc, Manila nỗ lực nâng cấp và hiện đại hóa hải quân, và cho đến gần đây họ đã phải sử dụng một đội tàu cũ, trong đó có nhiều tàu có từ thời Thế chiến thứ Hai.

Trong 3 năm qua, Manila đã mua được những tàu chiến đầu tiên có khả năng mang tên lửa: một tàu hộ tống được chuyển đổi từ Hải quân Hàn Quốc và hai tàu khu trục mới do Hàn Quốc đóng.

Tháng trước, Manila đã ký thỏa thuận mua hai khinh hạm mới từ nhà sản xuất Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc với giá 554 triệu USD. Giống như các tàu hộ tống và khinh hạm trước đó, các khinh hạm này có khả năng tác chiến chống hạm, chống tàu ngầm và phòng không.

Khởi đầu của Ấn Độ trong bán vũ khí cho ASEAN

Đối với Ấn Độ, việc bán BrahMos cho Philippines trong mục tiêu liên quan vấn đề Biển Đông – nơi mà cường quốc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ – là một bước đột phá ở Đông Nam Á.

Tuyên bố chủ quyền tùy tiện của Trung Quốc còn xâm phạm các vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ngay cả đối với Indonesia không coi họ có trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền mang tính lịch sử đối với phần biển chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Giới phân tích của Ấn Độ có nhận định, đơn đặt hàng BrahMos từ Philippines có thể dẫn đến nhiều thỏa thuận với các nước Đông Nam Á khác, cho phép New Delhi mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Aparaajita Pandey, trợ lý giáo sư tại Viện Chính sách Công tại Đại học Amity (Ấn Độ), nói với hãng tin AsiaNet của Ấn Độ rằng thỏa thuận này được coi là “sự khởi đầu cho việc bán vũ khí của Ấn Độ trong các nước ASEAN”.

Nguồn tin cho biết New Delhi cũng đang đàm phán với Việt Nam và Indonesia về khả năng bán tên lửa hành trình siêu thanh.

Ông Aparaajita Pandeynói: “[Philippines] có tiềm năng trở thành đối tác địa chiến lược quan trọng trong khu vực. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy tăng cường quân sự hóa khu vực này hơn nữa, vấn đề chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh chú ý”.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: