Sau TP.HCM, đến thành phố Thụy Sĩ cấm triển lãm thi thể người
- Minh Nhật
- •
Trong một cuộc họp báo vào ngày 16/10 mới đây, chính quyền thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, đã công bố quyết định cấm không cho phép triển lãm thi thể người “Real Human Bodies” được mở cửa như kế hoạch đi tour đã định, vì lo ngại về nguồn gốc các thi thể người có mặt trong triển lãm.
Triển lãm thi thể người là một loại triển lãm mới xuất hiện trên thế giới trong vài năm gần đây, gây ra rất nhiều tranh cãi do sử dụng công nghệ nhựa hóa để bảo tồn lại các thi thể người thật và đưa chúng ra triển lãm, cho phép công chúng vào xem không giới hạn lứa tuổi.
Mới đây nhất, sau khi triển lãm thi thể người “Real Human Bodies” xuất hiện tại Bern, Thụy Sĩ, các tổ chức nhân quyền ở nước này đã bắt đầu bày tỏ lo ngại trước vấn đề nguồn gốc của các thi thể người thật được sử dụng trong triển lãm. Tổ chức Action by Christians Against Torture (ACAT – Tạm dịch: Người Cơ đốc giáo Hành động Chống Tra tấn) sau đó đã gửi đơn phản đối triển lãm, với lý do:
“Các thi thể sử dụng trong triển lãm này rất có thể là của tù nhân Trung Quốc, những người đã bị tra tấn hoặc hành hình; và của các thành viên của phong trào [khí công] Pháp Luân Công đang bị cấm tại Trung Quốc.”
Ngay sau khi nhận được đơn phản đối của ACAT, chính quyền Lausanne – nơi dừng chân tiếp theo của triển lãm tại Thụy Sĩ – đã yêu cầu nhà triển lãm phải cung cấp đầy đủ bằng chứng về nguồn gốc của các thi thể, và về việc chủ nhân của những thi thể trong triển lãm đã cho phép trưng bày thân thể của họ sau khi chết. Tuy nhiên chính quyền Lausanne đã không nhận được những tài liệu đó.
Thành viên hội đồng thành phố, ông Pierre-Antoine Hildbrand cho biết:
“Có quá nhiều điều không rõ ràng để chúng tôi có thể thoải mái cho phép triển lãm. Thành phố đã yêu cầu sự minh bạch, nhưng không được đáp lại. Vì thế chúng tôi quyết định cấm triển lãm này, và thúc giục Palais de Beaulieu (nơi triển lãm diễn ra) phải làm mọi biện pháp để triển lãm thi thể người không được mở cửa.”
Khi được yêu cầu, các triển lãm thi thể người trên thế giới thường xuyên không cung cấp được các tài liệu dùng để thẩm tra nguồn gốc và danh tính của những thi thể trong triển lãm; cũng như các tài liệu chứng nhận rằng những người này đồng ý trưng bày thi thể của mình trong triển lãm sau khi chết. Chính vì thế, đây không phải là lần đầu tiên triển lãm thi thể người bị lên án. Hơn nữa tại nhiều triển lãm, có sự xuất hiện của các thai nhi, các thai phụ; một vài có sự xuất hiện của các thi thể trong tư thế quan hệ tình dục; đặt ra một câu hỏi lớn về đạo đức đối với nhà triển lãm.
Trong một bài phát biểu tại Tòa nhà Quốc hội Úc tại Canberra về ngành công nghiệp nhựa hóa thi thể ở Trung Quốc (Xem bài: Luật sư Úc nói về việc nhựa hóa thi thể tại TQ, dẫn chứng cả Việt Nam), luật sư nhân quyền Úc Madeleine Bridgett cho biết:
“Có những quan ngại nghiêm trọng về đạo đức và nhân quyền xung quanh nguồn gốc các thi thể và nội tạng trong triển lãm Real Bodies – The Exhibition. Các chứng cứ đáng tin cho thấy các thi thể và nội tạng này có thể tới từ người tập Pháp Luân Công hoặc người Duy Ngô Nhĩ, nhóm hàng triệu người đang bị giam giữ tại Trung Quốc.”
Bà Madeleine Bridgett cũng dẫn chứng một loạt các nước hoặc thành phố từng cấm triển lãm thi thể người như Hawaii, Seattle, Pháp và Israel, và bà cũng nhắc đến trường hợp mới đây nhất tại Việt Nam, khi triển lãm tương tự đã bị đóng cửa cho đến khi nhà tổ chức có thể cung cấp tài liệu pháp lý về nguồn gốc các mẫu vật. (Xem bài: Triển lãm cơ thể người tại Việt Nam hay “nghĩa trang” nhỏ oan khuất?)
Xem thêm chuyên đề 3 kỳ về nguồn gốc thi thể nhựa hóa:
Từ khóa Pháp Luân Công Duy Ngô Nhĩ Tù nhân lương tâm Triễn lãm thi thể người nhựa hóa thi thể Pháp Luân Công là gì nhân quyền ở Trung Quốc