Ủy ban Quốc hội Úc kêu gọi thu hồi hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm
- Xuân Lan
- •
Một cuộc điều tra của Quốc hội Úc đã kêu gọi chính phủ xem xét thu hồi hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm cho một công ty Trung Quốc.
Công ty Landbridge của Trung Quốc đã được cho phép thuê Cảng Darwin với giá 506 triệu đô la Úc (302 triệu đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái ngày nay) vào năm 2015. Ngoài vai trò là một cảng thương mại, nó còn là căn cứ cho lực lượng quốc phòng Úc cũng như lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.
Landbridge – do tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng kiểm soát và có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã nắm giữ 80% cổ phần tại khu đất này và có toàn quyền kiểm soát hoạt động của cảng trong 99 năm.
Một báo cáo của Ủy ban Quốc hội về tăng trưởng thương mại và đầu tư khuyến nghị rằng chính phủ Úc nên điều tra xem việc cho thuê có vi phạm Đạo luật Quan hệ Đối ngoại mới hay không.
Khuyến nghị được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước đã chìm xuống mức thấp nhất trong năm qua sau khi Canberra khiến Bắc Kinh tức giận vì kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch virus Vũ Hán vào tháng 4 năm ngoái. Bắc Kinh sau đó đã áp nhiều biện pháp thương mại để hạn chế hàng hóa của Úc.
Đạo luật Quan hệ Đối ngoại, được thông qua vào tháng 12 năm ngoái, cho phép chính phủ liên bang chặn các thỏa thuận quốc tế được thực hiện bởi các trường đại học, hội đồng và chính quyền tiểu bang vì lý do an ninh quốc gia.
Đạo luật đã được thông qua sau khi các bên tranh cãi về một biên bản ghi nhớ mà bang Victoria đã ký để tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Báo cáo không ràng buộc của Ủy ban Quốc hội cho biết: “Có những khuyến nghị về các mối quan ngại nghiêm trọng liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước [Trung Quốc] và doanh nghiệp liên kết với nhà nước [Trung Quốc] đang tài trợ cho các trường đại học của chúng ta, và sở hữu hoặc thuê cơ sở hạ tầng chiến lược của chúng ta, bao gồm cả cảng Darwin.”
“Trước những căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc, việc để các doanh nghiệp nhà nước và liên kết với nhà nước của Trung Quốc tham gia vào các trường đại học của chúng ta, bao gồm cả Viện Khổng Tử và cơ sở hạ tầng chiến lược của chúng ta là một rủi ro an ninh quốc gia không thể chấp nhận được.”
“Đây không phải là khoản đầu tư vì lợi ích quốc gia và không được phần lớn dân số Úc coi là vì lợi ích quốc gia.”
Báo cáo cũng khuyến nghị chính phủ liên bang tiến hành xem xét các cảng khác hoặc cơ sở hạ tầng chiến lược được các tập đoàn nước ngoài sở hữu hoặc thuê theo luật mới.
Hợp đồng cho thuê cảng Darwin khi ký vào năm 2015 còn được miễn trừ việc phải được Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài phê duyệt, mặc dù các quy định về sở hữu nước ngoài đã được thắt chặt vào tháng 3 năm ngoái.
Kể từ khi Úc thắt chặt các quy định, Hội đồng xét duyệt và Bộ trưởng Tài chính của quốc gia này đã ngừng hoặc không thông qua nhiều thỏa thuận lớn với các công ty Trung Quốc, bao gồm việc công ty sữa China Mengniu đề xuất mua lại công ty Lion Dairy & Drinks vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, một số thương vụ tương tự liên quan đến các công ty Trung Quốc vẫn được bật đèn xanh.
Báo cáo của Ủy ban Quốc hội, trong đó đưa ra 21 khuyến nghị, cũng yêu cầu chính phủ Úc xác định và đảm bảo các chuỗi cung ứng mới, đồng thời cảnh báo không dựa vào một thị trường duy nhất cho các mặt hàng quan trọng như nhiên liệu lỏng.
Báo cáo cũng đề cập đến những lo ngại rằng các trường đại học đang trở nên phụ thuộc tài chính vào sinh viên Trung Quốc, và do đó có khả năng dễ bị ảnh hưởng bởi chính phủ Trung Quốc. Báo cáo đề nghị chính phủ liên bang yêu cầu các trường đại học phải công khai tài trợ từ các tổ chức hoặc cá nhân có liên kết với bất kỳ nhà nước nước ngoài nào.
Ông George Christensen, chủ tịch Ủy ban Quốc hội, đã kêu gọi Úc thu hồi đất thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc để bồi thường thiệt hại kinh tế do đại dịch cúm Vũ Hán gây ra.
Tháng trước, nghị sĩ của Đảng Quốc gia Úc đã nói với Quốc hội rằng chính quyền bang Queensland nên chấm dứt hợp đồng thuê đảo Keswick cho tập đoàn Trung Quốc có đăng ký tại Hồng Kông là China Bloom do bị cáo buộc gây ra thiệt hại về môi trường.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa cảng Darwin sáng kiến 'Vành đai và Con đường' Dòng sự kiện