WSJ: Băng nhóm tội phạm Trung Quốc sử dụng tiền điện tử để rửa hàng tỷ USD
- Theo RFI
- •
Tether và các đồng tiền điện tử khác cho phép các tổ chức tội phạm có quan hệ với Trung Quốc che đậy dấu vết của họ.
Theo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin vào ngày 2/3 rằng các nhóm tội phạm Trung Quốc đang sử dụng tiền điện tử để rửa hàng tỷ đô la, bao gồm cả các quỹ có mục đích gây quỹ để giúp cung cấp ma túy vào Mỹ hoặc lừa gạt các nạn nhân ở Mỹ.
Các băng đảng này đang khai thác bản chất phi tập trung của thị trường tiền điện tử để trốn tránh sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc và nước ngoài. Họ đã sử dụng tiền điện tử để rửa lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy và cờ bạc bất hợp pháp, đồng thời kiếm được số tiền khổng lồ thông qua các vụ lừa đảo đầu tư hứa hẹn mang lại lợi nhuận dễ dàng trên thị trường tiền điện tử.
Người buôn bán hóa chất đáng ngờ
Công ty nghiên cứu Chainalysis cho biết trong một báo cáo vào năm ngoái, rằng các địa chỉ tiền điện tử có liên quan đến một nhóm buôn bán hóa chất mờ ám có trụ sở tại Trung Quốc, đã nhận được tài sản trị giá hơn 37,8 triệu USD để đổi lấy các thành phần chính của fentanyl kể từ năm 2018. Các lô hàng thường được gửi đến Trung Mỹ và Mexico, nơi các tập đoàn ma túy sử dụng chúng để sản xuất ma túy sau đó được chuyển đến Mỹ.
Tháng 10 năm ngoái, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ đã xử phạt một mạng lưới các cá nhân và công ty có trụ sở tại Trung Quốc, có liên quan đến việc sản xuất và phân phối fentanyl cũng như các thành phần được sử dụng trong các loại thuốc khác. Theo Bộ Tài chính Mỹ, một số người trong số họ nắm giữ ví tiền điện tử để gửi và nhận tiền.
Theo dữ liệu mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, việc sử dụng fentanyl ở người Mỹ đã trở thành một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng, giết chết hơn 100.000 người mỗi năm. WSJ cho biết, đây cũng là lĩnh vực hiếm hoi mà hai siêu cường trên thế giới đứng cùng phe: Các quan chức Trung Quốc và Mỹ trong năm nay đã đồng ý hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề.
Các vụ việc nêu bật bản chất đang thay đổi của hoạt động rửa tiền, vốn ngày càng được thực hiện nhiều thông qua tiền điện tử thay vì các phương pháp lỗi thời như vận chuyển vali tiền mặt. Đây là một vấn đề đối với các nhà điều tra, nhưng nó cũng mang lại cho họ những cách mới để theo dõi chuyển động của tiền, vì hầu hết các giao dịch chuyển tiền điện tử đều được lưu giữ trên sổ cái công khai.
Những kẻ lừa đảo chia sẻ ví tiền điện tử
Một báo cáo điều tra chung được công bố bởi nền tảng dữ liệu chuỗi khối Singapore “ChainArgos” và nhóm nghiên cứu chuỗi khối “Bitrace” của công ty Trung Quốc vào tháng Một năm nay cho thấy, những kẻ lừa đảo có nhiều nạn nhân ở Trung Quốc và Florida (Mỹ) đã chia sẻ hai địa chỉ ví được mã hóa, điều này có nghĩa là rất có khả năng họ là cùng một băng đảng. Báo cáo tuyên bố rằng một trong những ví đã xử lý số token trị giá ít nhất 20,7 triệu đô la kể từ đầu năm 2021. Nghiên cứu phát hiện ra rằng số tiền bị đánh cắp từ hai địa chỉ này sau đó được gửi vào hai sàn giao dịch tiền điện tử lớn là OKX và Huobi (hiện được gọi là HTX).
Ông Jonelle Still, phó giáo sư phân tích blockchain tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), cho biết các nạn nhân ở Mỹ sẽ khó lấy lại được tiền vì nhiều người trong số họ đã mất 10.000 đô la trở xuống. Mặc dù số tiền đó vẫn đủ để trở thành khoản tiền tiết kiệm cả đời của ai đó, nhưng nó lại quá ít để một tổ chức như FBI coi đó là ưu tiên hàng đầu.
Những người ủng hộ chống lừa đảo cho rằng bản chất xuyên quốc gia của các băng nhóm tội phạm này càng khiến việc bắt tội phạm hoặc giúp nạn nhân lấy lại tài sản trở nên khó khăn hơn, bởi vì nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng ở các quốc gia khác nhau.
WSJ cho biết, Bắc Kinh đã có lập trường cứng rắn đối với tiền điện tử trong nhiều năm, buộc các sàn giao dịch phải đóng cửa, cấm giao dịch và bỏ tù các giám đốc điều hành từng làm việc trong ngành này. Vào tháng Một, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết họ sẽ đệ trình sửa đổi luật chống rửa tiền lên cơ quan lập pháp hàng đầu của nước này để xem xét. Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc giải quyết vai trò của tiền điện tử trong hoạt động rửa tiền là vấn đề cấp bách nhất.
Ông Rory Doyle, giám đốc chính sách tội phạm tài chính tại nhà cung cấp phần mềm tài chính Fenergo, cho biết lệnh cấm toàn diện đối với giao dịch tiền điện tử là một chuyện, nhưng dường như nó không có tác dụng.
Hơn 800 trường hợp
Cảnh sát Trung Quốc cho biết vào tháng Một rằng cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc đã điều tra hơn 800 trường hợp, đóng cửa 5 ngân hàng ngầm được sử dụng để giúp xử lý thanh toán và phát hiện ra khoản tiền trị giá khoảng 4 tỷ USD dựa trên dữ liệu blockchain.
Cảnh sát Trung Quốc đã hợp tác với công ty phân tích blockchain OKLink để theo dõi các ví tiền điện tử có thể được lưu trữ và chuyển tiền.
Vào cuối năm 2022, trong một hành động liên quan đến 17 tỉnh thành, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 63 nghi phạm có liên quan đến một băng nhóm tội phạm sử dụng tiền điện tử để rửa khoảng 1,7 tỷ USD.
Các công tố viên Trung Quốc cũng đã đưa ra cáo buộc đối với các giám đốc điều hành tiền điện tử nổi tiếng. Triệu Đông (Zhao Dong), người sáng lập RenrenBit, một nền tảng tiền điện tử lớn ở Trung Quốc, đã bị kết án 7 năm tù vào năm 2022 vì cung cấp dịch vụ giao dịch tiền điện tử cho các doanh nghiệp bất hợp pháp liên quan đến cờ bạc và lừa đảo trực tuyến ở bên ngoài Trung Quốc.
Các quan chức cho biết, Tether, một loại tiền ổn định được gắn với đồng đô la Mỹ, đã được các nhóm này sử dụng để chuyển đổi giữa các loại tiền tệ pháp định (tiền định danh) khác nhau.
Từ khóa Rửa tiền tiền điện tử tội phạm Trung Quốc