Cần Thơ: Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận vì sao lĩnh án 16 năm tù?
- Minh Phương
- •
Tại một Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận thuộc TP Cần Thơ, một Chi cục trưởng tại vị 25 năm vừa bị đưa ra xét xử, tuyên án trong vụ án tham ô gần 2 tỷ đồng cùng kế toán trưởng kiêm thủ quỹ.
- Bắt cựu chi cục trưởng thi hành án dân sự ở Cần Thơ
- Tham ô hơn 800 triệu đồng, cựu Chi cục trưởng thi hành án ở Cần Thơ lãnh 16 năm tù
Ngày 12/11, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ tham ô tài sản đối với hai bị cáo Đinh Văn Công (SN 1960, cựu Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ô Môn) và Nguyễn Thị Huyền (SN 1981, cựu kế toán trưởng kiêm thủ quỹ Chi cục THADS quận Ô Môn) trong vụ tham ô gần 2 tỷ đồng, xảy ra tại Chi cục THADS quận Ô Môn.
Phiên tòa được mở sau 2 lần tạm hoãn. Lịch dự kiến vào ngày 16/6 bị hoãn với lý do dịch bệnh COVID-19 và ngày 22/10 do ông Công nhập viện trong thời gian tạm giam.
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, ông Đinh Văn Công nguyên là Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ô Môn, TP Cần Thơ giai đoạn từ năm 1993 – 2019. Bà Nguyễn Thị Huyền là kế toán trưởng kiêm thủ quỹ từ năm 2014 đến tháng 7/2018 tại chi cục trên.
Ngoài là thủ trưởng đơn vị, ông Công trực tiếp thụ lý giải quyết thi hành án các vụ việc xảy ra trong khu vực phường Phước Thới, quận Ô Môn.
Trong lúc còn tại nhiệm, ông Công đã chỉ đạo bà Huyền lập hai hệ thống sổ sách kế toán, bỏ ngoài sổ sách để theo dõi riêng các khoản thu tiền thi hành án và chi dùng cá nhân nhằm tránh bị phát hiện.
Theo xác định, hai bị cáo Công và Huyền đã chiếm đoạt hơn 606 triệu đồng tiền bán đấu giá tài sản thi hành án của Công ty TNHH An Khang để thi hành án cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; chiếm đoạt hơn 1,35 tỷ đồng của Công ty CP Vietnam Motors Cần Thơ; chiếm đoạt 35 triệu đồng tiền tạm ứng chi phí cưỡng chế, kê biên tài sản trong 4 vụ thi hành án khác. Tổng cộng số tiền hai bị cáo Công và Huyền đã tham ô là gần 2 tỷ đồng.
Lỗi thuộc về ai?
Theo báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, tại phiên tòa ngày 12/11, trong phần xét hỏi, ông Công không thừa nhận việc chỉ đạo bà Huyền như cáo trạng quy kết. Ông Công cũng cho rằng “cáo trạng truy tố bị cáo tội tham ô là không đúng” mà chỉ nhận việc không kiểm tra do quá tin tưởng cấp dưới.
Nói về 300 triệu đồng đã nhận trực tiếp từ Trung tâm Bán đấu giá tài sản, bị cáo Công nói: “Tôi làm Chi cục trưởng 25 năm, đây là lần đầu tiên tôi nhận 300 triệu. Tôi sai”.
Nhiều lần được hỏi, bị cáo Công luôn cho rằng “không xài đồng nào” và không tham ô, “chuyển qua dân sự tôi chịu hết, còn hình sự xin tòa xem xét tôi không tham ô đồng nào hết.”
Bị cáo Công khẳng định chỉ có “tội thiếu trách nhiệm” và “tất cả do cô Huyền làm, tôi không biết, rồi giờ buộc tôi phải chịu trách nhiệm”…
Bị cáo Huyền phủ nhận lời khai của bị cáo Công, cho rằng ông Công là người chỉ đạo “lấy tiền vụ sau ứng vụ trước, tiêu xài cá nhân, tiếp khách, đám tang nội ngoại cũng mượn tiền mà không có giấy”; trong những lần đưa tiền cho ông Công thì “đưa có giấy thì ít, không giấy thì nhiều, rồi có giấy thì viết số trên giấy nhận nhỏ hơn thực nhận”.
Ngoài ra, bị cáo Huyền thừa nhận đã kê khống 4 hồ sơ thi hành án nhưng thực tế chưa thi hành. Đây là những vụ do bị cáo Công thụ lý hồ sơ. Khi bà Huyền đã chuyển công tác về đơn vị khác thì ông Công yêu cầu bà này quay lại ký để hợp thức hóa hồ sơ… Bị cáo Huyền nói không kêu oan, chỉ xin trả những phần đã xài, phần không xài mà buộc trả “thì tội bị cáo”.
Đáng lưu ý, trong phần xét hỏi, đối với bị cáo Công, tòa nói “Bị cáo phạm tội hôm nay do cơ chế của cơ quan thi hành án, một mình làm mấy chục năm không ai khác thay thế, đúng ra tối đa hai nhiệm kỳ phải chuyển vị trí…”.
Đến chiều cùng ngày, sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Công 16 năm tù, bị cáo Huyền 15 năm tù.
Theo tòa, bị cáo Công chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng, bị cáo Huyền chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng. Mặc dù bị cáo Huyền chiếm đoạt nhiều hơn nhưng vai trò của bị cáo Công cao hơn.
Bị cáo Huyền thành khẩn, ăn năn hối cải, nộp 305 triệu đồng khắc phục hậu quả trong tổng số hơn 1,1 tỷ đồng, buộc phải nộp lại hơn 800 triệu đồng cho Chi cục THADS quận Ô Môn.
Đối với bị cáo Công, gia đình đã nộp 935 triệu đồng, cao hơn số tiền chiếm đoạt là 820 triệu đồng nên được nhận lại hơn 110 triệu đồng, bị cáo Công đã được thưởng huân chương Lao động hạng Ba và nhiều thành tích khác, sức khỏe không tốt, mắc nhiều bệnh…
Tiền lệ chi sai, lập khống chứng từ tại Chi cục THA dân sự quận Ô MônTheo phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM tháng 10/2019, Chi cục THADS quận Ô Môn (TP Cần Thơ) bị phát hiện hàng loạt sai phạm trong thời gian dài gây thất thoát khoảng 1 tỷ đồng. Trong đó, ông Cao Trung Sơn, Phó Chi cục trưởng lại được làm thủ quỹ đến năm 2014, sau đó bà Nguyễn Thị Huyền (kế toán trưởng) tiếp quản đến năm 2018. Vị trí thủ quỹ tiếp tục được giao cho bà Lương Thị Diễm Hương. Chi cục này đã liên tục chi tạm ứng cho ông Đinh Văn Công, Chi cục trưởng cùng nhiều cá nhân khác và tạm ứng chi hoạt động thường xuyên của đơn vị dẫn đến thiếu hụt khoảng 760 triệu đồng. Chi cục này thu tiền thi hành án nhưng để ngoài sổ kế toán, không báo cáo. Kế toán tự điều chỉnh hạ một số khoản thu tiền tạm ứng án phí, ra phiếu chi nhưng không chi tiền cho người được thi hành án làm thất thoát hơn 290 triệu đồng quỹ thi hành án. Một số chấp hành viên chưa thực hiện cưỡng chế, kê biên nhưng lập chứng từ khống thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án để chiếm dụng hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, một số chấp hành viên đã hợp thức các chứng từ thanh toán 142 triệu đồng tiền tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án nhưng không thuê lực lượng xung kích, không thuê xe, không có chi tiền xác minh tài sản chuẩn bị kê biên… Ông Công chỉ đạo các chấp hành viên hợp thức các chứng từ này để bù các khoản chi không hợp lệ như ăn uống, chi cho những người tham gia cưỡng chế vượt mức… Ngoài ra, Chi cục này chưa thực hiện niêm phong và gửi kho bạc đối với vật chứng là vàng, tiền mà để thủ quỹ, thủ kho giữ tại phòng làm việc, kể cả ma túy. Tháng 7/2018, bà Hương được giao nhiệm vụ thủ kho nhưng khoảng 6 tháng sau chi cục mới bàn giao tài sản tang vật tạm giữ tại kho. Ngoài ra, chi cục còn có nhiều vi phạm trong việc ra quyết định THA, chậm THA, vi phạm về cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; ra quyết định đình chỉ không có căn cứ… Theo báo cáo của Chi cục THADS quận Ô Môn, các cá nhân, đơn vị đã nộp khắc phục các khoản sai phạm tài chính trên. Tại thời điểm này, VKSND TP Cần Thơ nhận định việc chi cục trên để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài, trách nhiệm thuộc về thủ trưởng đơn vị, chấp hành viên, cán bộ của chi cục và có cả trách nhiệm của Cục THADS TP Cần Thơ… |
Minh Phương
Xem thêm:
Từ khóa Cần Thơ quan chức tham ô Cục thi hành án dân sự