Đề xuất chi 620 tỷ đồng từ vốn ODA mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài
- Nguyễn Quân
- •
Dự kiến việc mở rộng sân đỗ T2 hết tổng chi phí xây dựng khoảng 460 tỷ đồng, mở rộng nhà ga T2 có tổng mức đầu tư khái toán là khoảng 96 tỷ đồng, từ vốn vay ODA Nhật Bản.
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép Tổng công ty này sử dụng vốn dư ODA Nhật Bản của dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để mở rộng T2 và xây các sân đỗ máy bay.
Theo tính toán của ACV, việc mở rộng nhà ga T2 sẽ có tổng mức đầu tư khái toán là khoảng 96 tỷ đồng (480 triệu Yên), với thời gian dự kiến 12 tháng. Hạng mục mở rộng sân đỗ T2 có mức khái toán cho khảo sát, nghiên cứu và thiết kế mở rộng khoảng 64 tỷ đồng (320 triệu Yên), tổng chi phí xây dựng là khoảng 460 tỷ đồng (2,3 tỷ Yên), hoàn thành trong 24 tháng.
Tổng hạng mục xây dựng các sân đỗ máy bay và thiết kế mở rộng nhà ga T2 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 620 tỷ đồng (3,1 tỷ Yên).
“ACV là đơn vị vay lại và có trách nhiệm bố trí trả nợ toàn bộ số vốn vay ưu đãi và việc vay lại này không làm ảnh hưởng tới nợ công do mức tăng trưởng hàng năm gần 20% cả về sản lượng hàng hóa và hành khách so với năm trước” – lãnh đạo ACV khẳng định. Theo điều kiện của hiệp định vay vốn, việc giải ngân phải thực hiện trước 22/5/2021.
Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản với tổng vốn 59,2 tỷ Yên (khoảng 12.000 tỷ đồng) và vốn đối ứng trong nước là 6.145 tỷ đồng. Công trình đã được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 12/2004.
Hiện đơn vị tư vấn xác nhận vốn dư còn lại của dự án là 3,74 tỷ Yên (khoảng 740 tỷ đồng ) trên tổng số 5 tỷ Yên (khoảng 1.000 tỷ đồng) chưa giải ngân. ACV xin tận dụng khoản vốn dư để thực hiện các dự án liên quan đến việc triển khai giai đoạn 2 dự án.
Theo ACV, với độ tăng trưởng hàng năm cao, tổng số lượt hành khách tại sân bay Nội Bài sẽ quá tải sớm 11 năm so với dự báo, tổng số lượt cất cánh và hạ cánh vượt dự đoán sớm hơn 10 năm, sản lượng hàng hóa vượt dự đoán sớm hơn 17 năm, lưu lượng vận tải hàng không sẽ vượt quá công suất cho phép trong 3 năm tới.
Năm 2016, sân bay Nội Bài phục vụ gần 21 triệu hành khách và 140.000 lượt cất hạ cánh, mức tăng trưởng gần 20%/năm.
Cũng theo ACV, hiện sân bay Nội Bài đang khai thác 50 vị trí đỗ máy bay độc lập và đã khai thác hết các vị trí đỗ (trong đó nhu cầu vị trí đỗ hằng năm cần bổ sung thêm khoảng 15%). Nếu không đầu tư mở rộng hạ tầng sẽ dẫn đến quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản vốn ODA sân bay Nội Bài