Thủy điện Thượng Kon Tum (tỉnh Kon Tum) tích nước gây dâng ngập làm 25,36 ha cây rừng chết. Vụ việc đang được chuyển sang Công an tỉnh Kon Tum để điều tra, xử lý.

ho thuy dien thuong kon tum
Hồ thủy điện Thượng Kon Tum khi nút cống, chặn dòng trong quá trình thi công, năm 2020. (Ảnh: reecorp.com)

Ngày 23/4, truyền thông nhà nước cho hay Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) làm 25,36 ha rừng bị chết.

Nguyên nhân do thủy điện Thượng Kon Tum đã tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm nước dâng ngập, gây úng làm cây rừng chết khô.

Diện tích rừng bị hủy hoại ở các tiểu khu 401a, 406, 407, 411, 412, 413 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông; tiểu khu 410 do UBND xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông quản lý và tại tiểu khu 451 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý.

Sau khởi tố, hồ sơ vụ việc được chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum để cơ quan này tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Theo nguồn tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, việc xác định diện tích thiệt hại và xác định rừng chết do việc tích nước gặp khó và kéo dài vì nhiều lý do, trong đó có việc chủ đầu tư thuỷ điện chậm liên hệ để giải quyết.

Khi phát hiện có khoảng 15 ha rừng bị chết, bị ảnh hưởng do việc tích nước lòng hồ thuỷ điện, ngày 7/6/2021, một trong ba đơn vị chủ rừng – Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plong đã gửi văn bản tới Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh – chủ đầu tư Thủy điện Thượng Kon Tum đề nghị phối hợp kiểm tra. Tuy nhiên, sau kiểm tra, cán bộ của công ty thuỷ điện này không thống nhất ký biên bản.

Việc này lặp lại hai lần trong tháng 6 cùng năm; đến tháng 8/2021, do chủ đầu tư Thủy điện Thượng Kon Tum không liên hệ đơn vị chủ rừng để giải quyết, chủ rừng đã báo lên UBND tỉnh, Sở NN-PTNT.

Trước khi Chi cục Kiểm lâm Kon Tum khởi tố vụ án huỷ hoại rừng, khoảng giữa tháng 1/2022, giải trình do ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ điện Vĩnh Sơn ký thừa nhận trong quá trình tích nước để phát điện đã xảy ra tình trạng một số diện tích ven lòng hồ có cây chết.

Tuy nhiên, phía công ty cho rằng đối với nhóm cây chết dưới mực nước dâng bình thường 1.160m, trường hợp này theo đúng quy định, không phải thực hiện biện pháp gì thêm.

Đối với cây chết trên mực nước dâng bình thường 1.160m, có thể do nước dền, sóng đánh, gây úng làm chết cây; một số đồi dốc núi đứng, nước thấm gây sụt lở đất cũng gây ngập úng và cây chết; xác cây thu dọn chưa sạch trôi vào bờ cũng gây chết cây… những trường hợp này xảy ra ngoài dự tính của con người.

Cùng liên quan sự việc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy – chủ rừng quản lý 3,39ha rừng tự nhiên bị chết do tích nước thuỷ điện cho biết công ty này đã đưa diện tích rừng bị chết nói trên ra khỏi diện được cung ứng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021. Hiện đơn vị đang chờ công an thụ lý hồ sơ xong thì mới biết hướng xử lý diện tích rừng bị chết này như thế nào.

Đây không phải vấn đề đầu tiên xảy ra tại Thủy điện Thượng Kon Tum. Tại kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, công bố vào tháng 3/2022, chủ đầu tư dự án này đã thay đổi địa điểm thực hiện dự án, tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó 109,05 ha.

UBND tỉnh Kon Tum đã không thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất; chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp diện tích 48,225 ha nhưng không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, gây tổn thất hơn 4,6 tỷ đồng.

Chủ đầu tư đã sử dụng 501,55 ha đất rừng vào mục đích khác từ năm 2011 đến năm 2016 nhưng UBND tỉnh không ban hành quyết định chuyển mục đích rừng sang sử dụng vào mục đích khác; khi thi công đổ trái phép hàng triệu m3 đất, đá thải tại xã Hiếu, huyện Kon Plông; đào đất, san ủi, đổ đất thải trái phép làm thu hẹp lòng sông Đăk Psi; chưa hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng…

Thanh tra Chính phủ cho rằng tỉnh Kon Tum cần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng sử dụng đất như ban đầu. Nếu không khắc phục được hậu quả, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Dự án thủy điện Thượng Kon Tum (thuộc địa phận huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông) là môt trong 7 công trình thủy điện bậc thang trên sông Sê San (chảy qua địa phận 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum).

Dự án được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 2/2009, có diện tích dự kiến sử dụng hơn 1.400 ha, tổng vốn đầu tư là 5.245 tỷ đồng, công suất 220 MW.

Vĩnh Long