Hồng Kông truy bắt 8 người sống ở nước ngoài liên quan Luật An ninh Quốc gia
- Lý Hoài Quất
- •
Vào ngày 3/7, Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông đã tổ chức một cuộc họp báo, thông báo rằng lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với 8 người Hồng Kông đang sống ở nước ngoài, bao gồm Viên Cung Di, Hứa Trí Sầm, La Quán Thông và những người khác, đồng thời treo thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông đối với từng người, hy vọng rằng công chúng sẽ cung cấp thông tin. Tuy nhiên, cảnh sát cũng thừa nhận, chỉ cần 8 người không quay lại Hồng Kông thì không thể bắt giữ, do đó đã kêu gọi 8 người quay về Hồng Kông đầu thú.
“Luật An ninh Quốc gia” (phiên bản Hồng Kông) đã được thực thi 3 năm qua, Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông đã tổ chức một cuộc họp báo và tuyên bố rằng tính đến ngày 3/7 năm nay, tổng cộng 260 người đã bị bắt, trong đó có 198 nam và 62 nữ, độ tuổi từ 15 đến 90. Trong số đó, 161 người và 5 công ty đã bị truy tố, 79 người đã bị kết án hoặc đang chờ tuyên án.
Ngoài việc bắt giữ người dân bản địa Hồng Kông, cảnh sát cũng lưu ý đến những “phần tử chống Trung Quốc và làm rối loạn Hồng Kông thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” ở hải ngoại. Ông Lý Quế Hoa (Steve Li Kwai-wah), Giám đốc Tổng cục An ninh Quốc gia, nhấn mạnh rằng các hành động nêu trên là “hành động rất nghiêm trọng” và “sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng”. Do đó, khi đưa ra “Luật An ninh Quốc gia”, đã đặc biệt ghi rõ “quyền thực thi pháp luật ngoài lãnh thổ”. Nhưng ông không giải thích “hậu quả nghiêm trọng” là gì.
Ông tiếp tục nhấn mạnh rằng Điều 37 và 38 của “Luật An ninh Quốc gia” quy định rằng bất kỳ cư dân Hồng Kông hay không phải cư dân Hồng Kông, hoặc một công ty có hành vi vi phạm an ninh quốc gia ở nước ngoài, cảnh sát Hồng Kông đều có trách nhiệm truy cứu theo pháp luật. Do đó, cảnh sát Hồng Kông đã nộp đơn lên tòa án xin lệnh bắt giữ để bắt giữ 8 cư dân Hồng Kông ở nước ngoài, bao gồm Nhậm Kiến Phong (nam, 46 tuổi), Viên Cung Di (nam, 74 tuổi), Quách Phượng Nghi (nữ, 26 tuổi) , Quách Vinh Khanh (nam, 45 tuổi), Hứa Trí Phong (nam, 41 tuổi), Mông Triệu Đạt (nam, 51 tuổi), Lưu Tổ Địch (nam, 29 tuổi), La Quán Thông (nam, 29 tuổi), cáo buộc họ phạm tội nghiêm trọng về an ninh quốc gia, đồng thời họ còn đề xuất trừng phạt các quan chức và thẩm phán hoặc công tố viên Hồng Kông, tấn công vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông.
Ông Lý Quế Hoa cho biết, 8 người đã phạm tội rất nghiêm trọng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cảnh sát rất coi trọng các vụ án liên quan nên treo thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông đối với mỗi người, hy vọng công chúng có thể cung cấp thông tin.
Ngoài ra, cảnh sát cũng tuyên bố sẽ truy tìm những người liên hệ của 8 người nói trên ở Hồng Kông hoặc nước ngoài, đồng thời điều tra xem liệu những người khác có tham gia, can dự và hỗ trợ họ phá hoại an ninh quốc gia hay không.
Tuy nhiên, ông Lý Quế Hoa thừa nhận rằng chỉ cần 8 người không quay trở lại Hồng Kông, cảnh sát sẽ không thể bắt giữ, vì vậy ông kêu gọi 8 người trở về Hồng Kông đầu thú, thành thật khai nhận tội ác của mình và vạch trần tội ác của người khác, hoặc cung cấp manh mối quan trọng để giải quyết các vụ án khác, v.v… Tòa án có thể xử phạt nhẹ, hy vọng 8 người sẽ trân quý cơ hội.
Điều đáng chú ý là 4 trong số 8 người (Hứa Trí Phong, La Quán Thông, Lưu Tổ Địch, Viên Cung Di) đã bị truy nã trước đó. Mục đích của việc cảnh sát tiếp tục thông báo truy bắt 8 người lần này là gì? Ông Chung Kiếm Hoa, một học giả Hồng Kông sống ở Vương quốc Anh, cho rằng cảnh sát Hồng Kông chỉ đang tạo một “thế trận” với hy vọng khởi tác dụng răn đe.
Ông nói rằng “Luật An ninh Quốc gia” ban đầu hy vọng đạt được kết quả trong thời gian ngắn, khiến cộng đồng quốc tế chấp nhận thực tế và tự mình im lặng, nhưng hiện tại mong muốn này đã không thành hiện thực.
Đối với việc treo thưởng của cảnh sát lần này, 8 người sẽ bị bắt cóc đến Trung Quốc Đại Lục hay Hồng Kông? Ông Chung Kiếm Hoa cho rằng không nhất thiết, vì số tiền vẫn chưa được coi là lớn, ông cho rằng mục đích quan trọng hơn của khoản tiền thưởng là để khiến những người Hồng Kông ở nước ngoài không lên tiếng.
Sau khi kiểm tra thông tin, 8 người bị cảnh sát truy nã đều là doanh nhân, luật sư, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp và nhà hoạt động xã hội, tất cả đều là tinh anh trong xã hội Hồng Kông. Tám người hiện đang ở Mỹ, Úc và Vương quốc Anh.
Ông Nhậm Kiến Phong
Luật sư ở Hồng Kông, từng là người triệu tập viên của “Nhóm Luật sư Tiến bộ” (Progressive Lawyers Group), từng là thành viên của Ủy ban Nhân quyền và Hiến pháp của Hiệp hội Luật sư Hồng Kông. Ông Nhậm Kiến Phong trở lại Úc vào ngày 30/4/2022 và tham dự nhiều cuộc mít tinh sau đó. Vào tháng 5 năm nay, ông đã tham dự một phiên điều trần của quốc hội Mỹ và làm chứng, chỉ trích các thẩm phán Hồng Kông vì đã hợp tác với các luật tàn ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phá hoại luật pháp ở Hồng Kông.
Ông Viên Cung Di
Nhà tư bản công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di đã rời Hồng Kông vào ngày 9/6/2020 để đến Mỹ vận động hành lang. Ông tin rằng ĐCSTQ là phản nhân loại, và phải tiêu diệt ĐCSTQ, để Hồng Kông có được tự do thực sự và các thế hệ tương lai có thể sống trong tự do không có hãi. Vào tháng 7 năm ngoái, ông đã hợp tác với ông Hà Lương Mậu (Victor Leung Mau Ho) và ông Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) để tổ chức “Nghị viện Hồng Kông” ở Canada nhằm thay thế Hội đồng Lập pháp Hồng Kông do ĐCSTQ kiểm soát.
Cô Quách Phượng Nghi
Nhà hoạt động xã hội Hồng Kông này đã 3 lần lên kế hoạch cho “Dự án gây quỹ cộng đồng trên báo chí toàn cầu” trong chiến dịch chống dẫn độ vào năm 2019, sau đó gia nhập Tổ chức Nhân quyền Hồng Kông “Ủy ban Dân chủ Hồng Kông” (HKDC) có trụ sở tại Washington DC với tư cách là giám đốc chiến lược và các hoạt động.
Ông Quách Vinh Khang
Quách Vinh Khang là một luật sư ở Hồng Kông, cựu thành viên của Hội đồng Lập pháp và là thành viên sáng lập của Đảng Công dân, hiện ông đang cư trú tại Mỹ. Vào năm 2021, ông Quách Vinh Khang là học giả châu Á tại Trường Harvard Kennedy. Năm 2022, ông tuyên bố mở một công ty luật ở New York và thành lập tổ chức tư vấn đa quốc gia “Viện Rủi ro Chiến lược Trung Quốc” (China Strategy Risks Institute) để nhắc nhở các nước cảnh giác với những rủi ro từ Trung Quốc.
Hứa Trí Phong
Hứa Trí Phong – nguyên thành viên Hội đồng Lập pháp, nguyên thành viên Đảng Dân chủ – hiện sinh sống tại Úc. Trong chiến dịch chống dẫn độ, ông nhiều lần xuất hiện trên chiến tuyến với tư cách là một nghị sĩ, nhưng đã bị cảnh sát “xua đuổi” bằng bình xịt hơi cay. Sau khi ông Hứa Trí Phong chuyển đến Úc, ông tiếp tục chiến đấu trên “mặt trận quốc tế”, tham gia các cuộc biểu tình và vận động hành lang cho các chính trị gia địa phương. Gần đây, trên mạng có tin đồn rằng có cảnh sát Hồng Kông đã nhập cư vào Úc, ông Hứa Trí Phong nói rằng ông sẽ viết thư khiếu nại gửi cơ quan quản lý di trú Úc, yêu cầu hủy bỏ đơn đăng ký của người này.
Mông Triệu Đạt
Ông là một nhà hoạt động xã hội Hồng Kông, từng là tổng giám đốc của “Liên minh Công đoàn” trong gần 10 năm. Vào tháng 9/2021, ông chuyển đến Vương quốc Anh và thành lập “Cơ quan giám sát quyền lao động Hồng Kông” ở Anh để tiếp tục giám sát ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông.
Ông Lưu Tổ Địch
Là nhà hoạt động xã hội nổi bật trong chiến dịch chống dẫn độ, ông từng chủ trương “ngọc nát đá cũng tan” với ĐCSTQ. Năm 2019, ông và một số thanh niên có cùng chí hướng ở Hồng Kông lên kế hoạch cho “Dự án gây quỹ cộng đồng trên báo chí toàn cầu”. Thông qua quỹ gây quỹ cộng đồng, ông đăng quảng cáo trên các tờ báo chính thống trên thế giới kêu gọi trừng phạt “chế độ Cộng sản Hồng Kông”. Năm 2020, ông di cư đến Vương quốc Anh, có thông tin cho biết hiện ông đang ở Mỹ.
La Quán Thông
Chủ tịch sáng lập của đảng chính trị đã giải thể “Demosistō” hiện đang ở Anh. Vào tháng 4/2021, La Quán Thông đã thành lập “Hiệp hội Hồng Kông” ở Anh để tổ chức một loạt hoạt động như diễn đàn và hội thảo nhắm vào ĐCSTQ.
Từ khóa Hồng Kông La Quán Thông Luật An ninh quốc gia Hồng Kông Viên Cung Di