Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7/1999 và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Gần đây, theo các nguồn tài liệu bị rò rỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bắc Kinh hiện đang thắt chặt kiểm soát hệ thống chính trị và pháp luật của mình, tuy nhiên vẫn không ngừng duy trì việc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.

Embed from Getty Images

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc, bao gồm các bài tập thiền định chậm rãi cùng các bài giảng đạo đức đề cao giá trị Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày. Theo ước tính chính thức, mức độ phổ biến của pháp môn này đạt đỉnh điểm vào cuối những năm 1990 tại Trung Quốc, với khoảng 70 – 100 triệu người theo học. 

Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ (PLAC) là cơ quan an ninh hàng đầu và cũng là công cụ chính của ĐCSTQ trong mạng lưới khổng lồ đàn áp Pháp Luân Công. Thuận theo cuộc bức hại không ngừng kéo dài thì quyền lực và mức độ hủ bại của tổ chức này cũng không ngừng tăng lên.

Những quy định chỉnh đốn đầu tiên đối với PLAC

Tháng 1/2019, truyền thông Nhà nước Trung Quốc tuyên bố, bộ quy định “Chỉnh đốn PLAC” đầu tiên đã được ban hành. Bộ tài liệu này gồm 3 phần, tuy nhiên chỉ có phần đầu tiên – “Quy định về Công tác Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ” được công bố rộng rãi.

Phần thứ hai – “Quy định nội bộ PLAC” gồm 39 điều. Phần thứ ba – “Quy định nội bộ tối mật của PLAC” gồm 42 điều.

Tờ The Epoch Times đã thu thập được nguồn tài liệu dài 161 trang, trong đó bao gồm nội dung của 2 phần đầu tiên và các đầu mục của phần thứ ba – “tối mật”.

Phần “tối mật” được chia thành 3 mảng: “an ninh chính trị”, “ổn định xã hội”“các vấn đề pháp luật”. Trong số 17 mục về “an ninh chính trị” thì có 7 mục liên quan trực tiếp đến việc giám sát và “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Theo trang Faluninfo.net, trong ngôn ngữ của ĐCSTQ, “chuyển hóa” học viên Pháp Luân Công có nghĩa là buộc họ phải ký vào các biên bản chống lại đức tin của mình và cam kết ngừng tu luyện.

Báo cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết, Bắc Kinh đã cử những đoàn thanh tra đi khắp Trung Quốc và giám sát việc thực hiện quy định của các PLAC cấp tỉnh và thành phố. Theo quan điểm của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, khi thực hiện công tác chính trị và pháp luật, hệ thống PLAC vẫn phải tuân thủ “sự lãnh đạo tuyệt đối” của ĐCSTQ.

Nhiệm vụ thực hiện cuộc đàn áp

Một tài liệu khác dài 76 trang, bị rò rỉ từ thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh đã cung cấp một số chi tiết về phần “tối mật” trong quy định dành cho PLAC. Ban hành vào tháng 4/2020, tài liệu này bao gồm một loạt các bảng biểu trình bày chi tiết những nhiệm vụ được định lượng cụ thể nhằm “duy trì an ninh chính trị”. Trong đó, nhiệm vụ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công sẽ do PLAC cấp thành thành phố và Cục an ninh nhà nước thực hiện. 

Yếu tố định lượng ở đây chính là “tỷ lệ chuyển hóa”, được đo bằng số lượng học viên Pháp Luân Công đã ký văn bản tuyên bố họ sẽ cam kết từ bỏ môn tập. “Tỷ lệ chuyển hóa” được quy thành điểm số cho các cơ quan, và được tính trực tiếp vào tiền lương, thưởng của họ.

Các trường hợp bị bức hại ở tỉnh Liêu Ninh

Theo Minghui.org, trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, tỉnh Liêu Ninh ở phía Đông Bắc Trung Quốc nổi tiếng với những cuộc đàn áp tàn khốc nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.

Văn phòng Công an thành phố Thiết Lĩnh – tỉnh Liêu Ninh do ông Vương Lập Quân lãnh đạo trong 8 năm. Ông Vương sau đó đã trở thành phó thị trưởng kiêm cảnh sát trưởng của Trùng Khánh – thành phố lớn nhất trong số 4 thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc.

Tháng 2/2012, ông Vương Lập Quân đã trốn đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ, mang theo các tài liệu buộc tội cấp trên của mình là Bạc Hy Lai. Sự kiện này đã kích hoạt một phiên tòa xét xử về tội giết người, gây ra một ‘trận cuồng phong’ trong hệ thống PLAC dẫn đến việc thanh trừng Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, những người đứng đầu hệ thống này. 

Năm 2002, khi còn là cảnh sát trưởng của của thành phố Thiết Lĩnh, ông Vương đã ra lệnh bắt giữ một nhóm học viên Pháp Luân Công, những người đã bí mật thu thập các đoạn băng ghi hình về thực trạng bức hại trong các nhà tù và trại lao động địa phương. Nội dung của các video này được cho là đã gửi ra nước ngoài.

Thông qua khai thác thông tin từ điện thoại di động, cảnh sát đã bắt giữ các học viên có liên quan đến sự việc và tịch thu những đoạn băng ghi hình. Theo lệnh của ông Vương, cảnh sát đã tra tấn dã man các học viên. Báo cáo của trang Minghui.org cho hay, ông Vương khẳng định đây là một vụ án quan trọng và cảnh sát sẽ được khen thưởng xứng đáng.

doanlebinh
Cô Doãn Lệ Bình, một học viên Pháp Luân Công tại thành phố Thiết Lĩnh (Ảnh: Minghui.org)

Cô Doãn Lệ Bình, một học viên Pháp Luân Công tại thành phố Thiết Lĩnh, cũng nằm trong số những người bị bắt và tra tấn. Trước khi rời Trung Quốc, cô đã bị tống giam 6 lần ở Thiết Lĩnh và các thành phố khác thuộc tỉnh Liêu Ninh.

Vào tháng 4/2001, cô Doãn cùng 8 nữ học viên Pháp Luân Công khác sau khi từ chối “chuyển hóa” đã được bí mật chuyển từ trại lao động Mã Tam Gia đến một trại lao động khác chuyên dành cho nam giới. Những học viên nữ này được đưa đến các phòng giam riêng biệt, nơi có các tù nhân nam đang đợi sẵn. Cai ngục tại trại lao động đã ‘bật đèn xanh’ cho các tù nhân nam rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Sau nhiều ngày liên tục bị cưỡng hiếp, một số học viên nữ đã chết, một số bị rối loạn tâm thần và một số bị thương tật vĩnh viễn. Cô Doãn đã bị suy sụp tinh thần và mất trí nhớ tạm thời. 

Tuy nhiên cô vẫn sống sót. Khi còn trong trại lao động, cô Doãn cùng các học viên nữ khác đã hứa với nhau rằng, nếu một trong số họ còn sống và có thể thoát ra ngoài, người đó sẽ phơi bày những tội ác tày trời này cho toàn thế giới. Và đó là những gì cô Doãn đã thực hiện kể từ năm 2016, sau khi cô đến Hoa Kỳ theo diện tị nạn. 

Ngày 14/4/2016, 15 năm sau khi bị tống vào các nhà ngục của nam giới, cô Doãn đã làm chứng trước Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ, trong phiên điều trần về tình trạng “Sử dụng các hình thức tra tấn tràn lan ở Trung Quốc”. Lời khai bằng văn bản của cô Doãn có thể được xem tại đây.

Các học viên Pháp Luân Công tiếp tục phơi bày sự thật tại Trung Quốc

Bất chấp cuộc bức hại tàn khốc, cho đến nay, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vẫn tiếp tục phơi bày sự thật cho công chúng. Tờ The Epoch Times đã thu thập được một số tài liệu của tỉnh Liêu Ninh từ năm 2012 đến năm 2019, trong đó có một văn bản ghi rõ về cách thành phố Lăng Hải xử lý các tài liệu về Pháp Luân Công. Chính quyền đã phân bổ kinh phí cụ thể cho từng huyện trong thành phố nhằm loại bỏ các tài liệu Pháp Luân Công khỏi những nơi công cộng.

phap luan cong
Áp phích của Pháp Luân Công xuất hiện tại thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh (Ảnh: Minghui.org)

Văn bản này nêu rõ, hàng năm chính quyền sẽ trích khoảng 18.000 USD (hơn 400 triệu VNĐ) để mua các công cụ cần thiết và thuê người loại bỏ những tài liệu về Pháp Luân Công. Các đội ngũ chuyên khảo sát và tiêu hủy tài liệu tại những khu vực lân cận đã được thành lập. Theo một trường hợp từ văn bản trên, trong vòng 5 ngày, họ đã huy động khoảng 300 người thuộc một khu dân cư và gỡ bỏ 102 khẩu hiệu trên tường, 1.790 tấm áp phích, 28 đĩa CD, 24 biểu ngữ, 145 tờ rơi và 124 tập sách.

Tờ The Epoch Times bình luận, các văn bản nội bộ này chứng tỏ rằng mặc dù cuộc bức hại đã kéo dài 22 năm, tuy nhiên Pháp Luân Công vẫn không hề bị kìm hãm và các tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công vẫn có thể được tìm thấy trên khắp Trung Quốc. 

Chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần thông qua các nghị quyết lên án những hành động tàn ác của ĐCSTQ và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.

Vy An (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: