Thành phố sụp đổ tài chính đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1949
- Tân Hà
- •
Trong hoàn cảnh kinh tế bất ổn và thị trường bất động sản đi xuống, tài chính của các cơ quan chính quyền Trung Quốc ngày càng hạn chế. Để đối phó trước tình hình khó khăn, nhiều địa phương còn sử dụng các khoản tiền phạt tùy tiện làm doanh thu. Thành phố Hạc Cương tỉnh Hắc Long Giang trở thành thành phố đầu tiên sụp đổ tài chính kể từ năm 1949.
Ngày 23/12, thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang ra “Thông báo về việc hủy bỏ kế hoạch tuyển dụng công chức cho cán bộ chính quyền cấp cơ sở”. Thông báo cho biết, “Do thực hiện kế hoạch tổ chức lại tài chính của chính quyền thành phố Hạc Cương, tình hình tài chính đã trải qua thay đổi lớn nên đã ra quyết định hủy bỏ việc tuyển dụng viên chức, cán bộ cơ sở của chính quyền.”
Đây là thông báo dành cho các ứng viên địa phương đăng ký thi tuyển công chức, và nó đã bị xóa ngay sau khi được phát đi. Tuy nhiên, mọi người đã chú ý đến cụm từ “tổ chức lại tài chính”.
Tổ chức lại tài chính có nghĩa gì? Kỳ thực vào tháng Một năm nay có thể khái quát đơn giản đó là: nằm ngửa.
Nói một dễ hiểu, thành phố Hạc Cương đã không thể trả nợ gốc và lãi của các khoản nợ đến hạn trong hai năm liên tiếp 2019-2020, các khoản nợ đã được chuyển lên chính quyền cấp cao hơn là tỉnh Hắc Long Giang. Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang cũng không dư dả, và sống nhờ các khoản thanh toán tài chính được chuyển từ chính quyền trung ương hàng năm.
Theo số liệu chính thức, chỉ có 8 tỉnh, thành phố có lãi tài chính, trong đó theo thứ tự từ nhiều đến ít là Quảng Đông, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông và Phúc Kiến. Còn 23 tỉnh, thành phố còn lại đều cần trung ương trợ cấp.
Trong số 8 tỉnh, thành phố nói trên, sau khi trừ tiền chuyển từ trung ương, tổng cộng đã nộp về trung ương 2782,054 tỷ nhân dân tệ. Trong đó hơn 80% đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam, còn lại là Bắc Kinh, Thiên Tân và Sơn Đông từ phía bắc, chỉ chiếm chưa đầy 20%.
Quyền lực tài chính tập trung ở trên, quyền lực làm việc được thả cho bên dưới là tâm điểm của mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương và địa phương trong gần một thập kỷ qua. Chính quyền trung ương kiểm soát 70% quyền lực tài chính, còn chính quyền địa phương thì ngược lại, họ làm nhiều việc hơn nhưng thu nhập ngày càng ít đi. Trong những năm gần đây, do các yếu tố như tham nhũng, nghĩ mọi cách tiêu tiền công, nên các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với những vấn đề tài chính nghiêm trọng. Các khoản thu và chi của chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào các khoản thanh toán chuyển giao tài chính của trung ương và khoản tiền từ trả lại thuế cho địa phương. Đặc biệt trong trường hợp thị trường bất động sản suy thoái, tài chính từ đất đai không thể kiểm soát được.
“Báo cáo phân tích về quyết toán năm 2020 của thành phố Hạc Cương” được công bố vào tháng 3 năm nay cho thấy, doanh thu tài chính công của thành phố vào năm 2020 là hơn 200 triệu nhân dân tệ, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước đó. Trừ thuế tài nguyên, thuế bất động sản, thuế trước bạ, thuế chiếm dụng đất nông nghiệp, 10 loại thuế còn lại đều tăng trưởng âm.
Số nợ của thành phố Hạc Cương vào năm 2020 sẽ lên tới hơn 13,1 tỷ nhân dân tệ, tăng hơn 1,5 tỷ nhân dân tệ so với năm trước. Hiện tại, dân số thường trú của thành phố Hạc Cương là 891.300 người, và mức nợ trung bình của tất cả người dân là 14.700 nhân dân tệ / người.
Đây không phải là điều xảy ra đột ngột. Vào ngày 26/7/2021, cuộc họp thường vụ lần thứ 72 của Chính quyền thành phố Hạc Cương đã đề cập: “…Tình hình phương án thực hiện kế hoạch tổ chức lại tài chính của thành phố, điều chỉnh ngân sách và quỹ đặc biệt … Hiện tại, tình hình tài chính của thành phố đang cực kỳ nghiêm trọng, và thành phố sẽ bắt đầu kế hoạch tổ chức lại chính.”
Cũng có người nói rằng hệ thống chính trị đặc biệt của Trung Quốc đã quyết định phương thức xử lý khác nhau của chính phủ, và chính phủ trung ương sẽ đưa ra điểm thấp nhất, vậy thì trung ương có thể cứu được mấy địa phương? Sau thành phố Hạc Cương, vẫn còn một số lượng lớn các thành phố cấp tỉnh đang chờ đợi để “nằm ngửa”, đặc biệt là ở các thành phố đông bắc với cơ cấu kinh tế đơn lẻ, cạn kiệt tài nguyên và dân cư di cư như thành phố Tùy Hóa (tỉnh Hắc Long Giang), thành phố Thiết Lĩnh (tỉnh Liêu Ninh), thành phố Tùng Nguyên (tỉnh Cát Lâm), v.v.
Tài chính có vấn đề, nhiều cuộc họp ở cấp trung ương đã tuyên bố rằng họ cần “trải qua ngày tháng thiếu thốn”. Hiện nay, thông tin giảm lương lan truyền ở nhiều nơi, các công chức, đơn vị sự nghiệp cũng than thở rằng “ngày tháng thắt lưng buộc bụng” đã thực sự đến.
Hãy xem một ví dụ khác, cách đây không lâu, một thông báo thanh tra của Quốc vụ viện xuất hiện trong danh sách tin tức được tìm kiếm nóng: Thành phố Bá Châu, tỉnh Hà Bắc, đưa ra biện pháp kiểm tra thu nhập phi thuế, giao nhiệm vụ thu nhập phi thuế cho các hương trấn bên dưới, và tổ chức thực thi pháp luật theo kiểu chiến dịch. Do đó đã xuất hiện vấn đề tùy tiện thu phí, tùy tiện phạt tiền quy mô lớn và tùy tiện phân bổ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ ngày 1/10 đến ngày 6/12, thu nhập từ tiền phạt và tịch thu ở Bá Châu đạt 67.183.700 tệ, trong đó thu nhập tháng 11 là 47.295.700 tệ, gấp 80 lần là thu nhập bình quân hàng tháng từ phạt và tịch thu từ tháng 1 tới tháng 9.
Cho dù là việc tùy tiện thu phí, tùy tiện phạt hay là tuỳ tiện phân bổ, thì nguồn gốc đằng sau tất cả các loại hỗn loạn này đều chỉ hướng đến một điểm: thiếu tiền. Năm 2021, số dư nợ của thành phố Bá Châu là 3,047 tỷ nhân dân tệ và dự toán thu ngân sách công trước đó chỉ là 2,95 tỷ nhân dân tệ.
Các quan chức ở thành phố Bá Châu vắt óc để vơ vét một lượt các công ty, có thể nghĩ ra được thì đều đã phạt rồi, nên mới làm ra được hàng chục triệu tệ, việc tự cắt đứt mạch sống này họ có thể thực hiện được bao nhiêu lần trong một năm?
Sách xanh tài chính “Báo cáo Chính sách Tài chính Trung Quốc (2021)” do Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc công bố cũng cho thấy chênh lệch thu chi năm tài khóa 2021 sẽ vào khoảng 4,7 nghìn tỷ nhân dân tệ. Quy mô của lỗ hổng tài chính sẽ mở rộng trong vài năm tới, ước tính đến năm 2025, chênh lệch thu chi tài chính sẽ lên tới 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Tân Hà, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Hắc Long Giang Chính quyền Trung Quốc Hạc Cương Tài chính sụp đổ