Chuyện vị tiến sĩ kén 3 con rể đều đỗ đại khoa
- Trần Hưng
- •
Trần Ân Triêm thi đỗ tiến sĩ, giữ được sự trong sạch cốt cách của một nhà Nho, ông cũng kén được 3 học trò làm con rể và đều đỗ đại khoa, trong đó có 2 người đỗ đầu.
Tiến sĩ Trần Ân Triêm
Trần Ân Triêm sinh năm 1673, người xã Yên Lâm, huyện Yên Định (nay là khu phố Bối Lim, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Ngoài 40 tuổi mới đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1715 thời vua Lê Dụ Tông.
Văn bia tiến sĩ khoa thi này có chép lại rằng:
“Bấy giờ số dự thi đông đến hơn 2.500 người. Vào đến trường bốn, chọn hạng xuất sắc được 20 người. Hữu ty ghi tên dâng lên.
Bèn cho lính đưa voi tới cửa trường chở bảng mực nhạt ra treo ở đình Quảng Văn ngoài cửa Đại Hưng. Sĩ tử bốn phương kéo đến xem như mây tụ, tiếng hô reo như sấm dậy đất bằng, đều ngợi khen khoa thi tiến sĩ này lại được nhiều người giỏi.
Qua ngày 11 tháng 6 vào Điện thí. Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách, hỏi về điều cốt yếu của đạo trị nước. Ngày hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng xếp định thứ bậc cao thấp. Loa xướng tên người đỗ, bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Quốc học.
Kế đó lại ban áo mũ phẩm phục để được hiển vinh, ban yến Quỳnh hoa bạc để tỏ lòng sủng ái, ơn lớn đãi ngộ xem chừng chẳng khác gì thời trước. Nay lại cho khắc đá đề danh, theo đúng như quy chế cũ, không sớm không muộn, cho khắc bia đúng lúc, đúng là cuộc tao ngộ đầy vinh hạnh”.
Trần Ân Triêm làm quan qua các vị trí khác nhau, sau thăng lên làm Đông các học sĩ. Dù ở vị trí nào ông cũng giữ sự tôn nghiêm và trong sạch của một nhà Nho. Năm 1732, ông được sắc phong làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1734, ông được thăng chức làm “Liệt đại phu Quốc Tử Giám Tế tửu”, tước Khuông mỹ Thiếu doãn trung chế.
Theo quy định của Triều đình thì 70 tuổi phải nghỉ hưu, nhưng năm 1737 dù chưa đến 65 tuổi ông đã xin nghỉ hưu và được chuẩn y. Từ đó lệ có thay đổi, các quan văn 65 tuổi được nghỉ hưu.
Ba người con rể đều đỗ đại khoa
Là người thầy giỏi, Trần Ân Triêm có những học trò xuất sắc, trong đó phải kể đến Hà Tông Huân, Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ, cả 3 trò này đều đỗ đại khoa, trong đó có 2 người đỗ đầu Đình nguyên là Hà Tông Huân và Đỗ Huy Kỳ.
Giai thoại kể rằng cả 3 người này trước kia vốn đã là bạn học với nhau, nghe nói ở làng Bón có danh sĩ Trần Ân Triêm liền cùng đến làng Bón tìm thầy.
Ba người bạn đến đầu làng thấy có ông lão đang ngồi nghỉ dưới gốc cây đa thì đến hỏi thăm. Ông lão nói mình ra câu đối nếu đối được sẽ chỉ cho, rồi ông ra vế đối: “Đi đường đất thịt trơn như mỡ”, vế đối thể hiện quang cảnh lúc đó trời cũng vừa mưa xong đường rất trơn.
Trong khi hai người bạn đang suy nghĩ thì Hà Tông Huân đã đối rằng: “Ngồi tựa gốc đa mát thấu xương”. Vế đối rất chuẩn, lại cũng thể hiện cảnh lúc đó ông lão đang ngồi gốc đa. Ông lão cười khoái trá rồi dẫn 3 người đi, thì ra ông chính là quan nghè làng Bón Trần Ân Triêm.
Theo “Việt sử giai thoại” thì thầy Trần Ân Triêm thấy 3 học trò của mình có tư chất hơn người thì có ý gả luôn cả 3 cô con gái cho. Ông bèn chọn ra 3 chữ, ứng với ba học trò: Hà Tông Huân vốn ở làng Kim Vực, lấy chữ Kim tức vàng; Trịnh Đồng Giai xuất thân làng Ngọc Hoạch, mới lấy chữ Ngọc; Đỗ Huy Kỳ quê làng Thử Cốc lấy chữ Cốc.
Rồi ông nói với 3 cô con gái là mình có món lúa (Cốc), ngọc và vàng (Kim) xem các con thích cái nào. Cô cả chọn lúa, được cha gả cho Đỗ Huy Kỳ; con thứ chọn ngọc, được cha gả cho Trịnh Đồng Giai; con út thích vàng, được cha gả cho Hà Tông Huân.
Theo “Công dư tiệp ký” thì trong 3 chàng rể thì Hà Tông Huân thông minh hơn cả, nhưng lại rất ham chơi. Một lần ông Triêm nghe nói Hà Tông Huân đi đánh bạc thì tức giận nhờ người đi tìm về. Tông Huân đi về qua ruộng nhà thì thấy cha vợ cùng mọi người đang làm ruộng vất vả.
Ông Triêm yêu cầu con rể ra câu đối nếu đối được thì tha, “Học bác tài xa dự nhập tứ môn chi tuyển”, nghĩa là học rộng tài cao, dự cả 4 kỳ thi tuyển. Hà Tông Huấn đối rằng “Phụ canh tử nậu, kỳ thu bách mẫu chi công”, nghĩa là cha cày, con bừa nên thu công cả trăm mẫu. Ông Triêm nghe câu đối lại chưa sâu sắc nên không hài lòng lắm, nhưng vì có nói đến cày bừa, hy vọng con rể đã hối lỗi nên ông tha tội cho.
Khoa thi năm 1721, con rể Trịnh Đồng Giai đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Hàn lâm viện Đãi chế.
Khoa thi năm 1724 thời vua Lê Dụ Tông, Hà Tông Huân đỗ đầu tức Bảng nhãn (do khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Người đương thời quen gọi ông là “Bảng Vàng” nghĩa là Bảng Nhãn của làng Vàng.
Khoa thi năm 1731 đến lượt con rể cả của ông là Đỗ Huy Kỳ đỗ đầu tức Thám Hoa (khoa thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn). Ông làm quan đến chức Tham nghị, rồi Thừa chính sứ Hải Dương, tước Hoa Nhạc bá.
Trần Ân Triêm sau khi về hưu thì mở lớp dạy học ở quê nhà rồi mất năm 70 tuổi. Vua Lê chúa Trịnh thương tiếc, thảo điếu văn cùng sắc chỉ phong cho ông làm Hữu thị lang bộ Công và cho phép thôn Châu Bối lập đền để phụng thờ.
Hiện nay đền thờ ông vẫn còn lưu giữ 10 sắc phong, 2 lệnh chỉ, 1 cuốn công đức ghi những công trạng của ông.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hà Tông Huân: Vị Bảng nhãn nổi danh phụng sự 5 đời vua Lê
- Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ giúp bỏ lệ cống nạp ngọc trai cho phương bắc
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng nhà Lê Trịnh