Từ chuyện quân vương và quần áo lạm bàn đạo trị quốc
- Quang Minh
- •
Trong các tác phẩm điện ảnh, không ít vị quân vương được khắc họa là những nhân vật phóng túng hưởng lạc. Nhưng kỳ thực, hầu hết quân vương của các triều đại không chỉ không được phép tận sức hưởng thụ, mà trái lại, họ còn phải có yêu cầu nghiêm khắc hơn người bình thường rất nhiều. Đặc biệt, những minh quân trong lịch sử đều là những người tiết dục và chính tâm. Đây không phải là vì thời xưa thiếu thốn của cải vật chất hơn thời hiện đại mà là vì người xưa có hiểu biết rất rõ ràng về nhân quả của việc tiết kiệm và xa hoa. Trong lịch sử còn ghi chép lại khá nhiều câu chuyện quân vương tiết kiệm, dù chỉ là đối với những thứ nhỏ như quần áo mặc hàng ngày.
Hàn Chiêu Hầu thời Chiến Quốc, là một quân vương anh minh của nước Hàn. Khi ông còn tại vị, quốc gia đại trị, chư hầu không dám tùy tiện xâm phạm. Hàn Chiêu Hầu có một chiếc quần, mặc dù đã cũ sờn lắm rồi nhưng không nỡ vứt bỏ. Ông nói: “Cái quần này trước đây là hữu dụng, giờ mặc dù nó cũ sờn rồi, nhưng ta không đành lòng vứt bỏ, cũng giống như người có công lao, ta không đành lòng lãng quên công lao trước kia của họ. Cho nên cất giữ chiếc quần cũ này, chờ đợi người có công rồi ban thưởng cho người đó.”
Thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công từng hỏi Quản Trọng: “Ngươi nhìn xem, quốc gia chúng ta vừa nhỏ lại vừa nghèo nhưng y phục và xe ngựa của các đại thần lại xa hoa như vậy, ta nên hạ lệnh như thế nào để cấm họ?”
Quản Trọng đáp rằng, “Thần nghe nói, quốc quân thích ăn thứ gì thì thần tử liền ăn theo thứ ấy, quốc quân thích mặc thứ gì thì thần tử cũng liền mặc theo thứ ấy. Hiện giờ, ngài mỗi bữa ăn đều phải có rượu ngon, thường ngày đều mặc áo màu tím, áo khoác lông trắng, cho nên các đại thần mới theo ngài mà xa xỉ lên. Trong Kinh Thi nói, không tự mình làm thì dân chúng sẽ không tin tưởng. Nếu ngài muốn cấm thì sao không tự mình làm trước?”
Tề Hoàn Công nghe theo lời đề nghị của Quản Trọng, thường ngày mặc quần áo bình thường và đội mũ không có trang sức. Kết quả một năm sau người dân nước Tề đều dưỡng thành được thói quen tiết kiệm.
Lưu Dụ, vị quân vương khai quốc nhà Lưu Tống, khi còn trẻ gia cảnh thanh bần, vì cuộc sống mà không thể không ra ngoài mưu sinh. Lưu Dụ từ biệt người nhà, mặc bộ đồ mà thê tử tự tay may cho hôm tân hôn, đến Tân Châu giúp người ta thu hoạch cỏ lau để đổi lấy thức ăn và quần áo. Liên tiếp mấy ngày liền làm việc, bộ đồ mới rất nhanh rách tả tơi, tiền kiếm được cũng chỉ đủ duy trì sinh hoạt. Sau đó Lưu Dụ mặc bồ đồ rách rưới này mà tham gia vào quân đội, lập được chiến công, được thăng tiến. Về sau Lưu Dụ trở thành Hoàng đế.
Sau khi Lưu Dụ lên ngôi, ông không quên thời gian bần hàn lúc còn trẻ, mang bộ quần áo vải thô cũ nát cất giữ cẩn thận, thường xuyên nói với con cháu rằng: “Ta giữ gìn bộ đồ cũ nát này, là để nhắc nhở bản thân không quên những năm tháng gian khổ đó. Con cháu đời sau nếu ai sống xa xỉ, không biết tiết kiệm, thì nhất định phải nghiêm trị theo gia pháp”. Lưu Dụ sống tiết kiệm chất phác nên đã thay đổi được nếp sống xã hội xa xỉ dưới thời Đông Tấn trước đó.
Khang Hy là vị Hoàng đế nổi tiếng của nhà Thanh. Ông từng nói về quần áo của bản thân mình: “Ta từ khi lên ngôi đến nay, lo liệu hết thảy sự việc lớn nhỏ, đều đề xướng tiết kiệm. Y phục mà ta đang mặc trên người là quần áo bình thường, tất mà ta đang đi cũng chính là loại thông thường”.
Một người Pháp từng đến Trung Hoa đã viết thư gửi Hoàng đế nước Pháp kể về Khang Hy như sau:
“Ông ta thuộc loại người giản dị mộc mạc, quả thực là chưa từng thấy. Mỗi ngày ông ta ăn 2 bữa với thức ăn rất đơn giản bình thường, chưa bao giờ vượt quá giới hạn. Quần áo mà ông ta mặc là loại trang phục được xếp vào loại bình thường nhất ở Trung Hoa. Vào những ngày mưa, mọi người đều thấy ông ta mặc một cái áo khoác nỉ, là một loại áo thô ở đây. Mùa hè, chúng tôi thấy ông ta mặc áo ngắn bằng vải gai, đó cũng là loại quần áo bình dân mà người dân thường hay mặc. Trừ những lễ tiết lớn, còn bình thường chúng tôi chỉ thấy trên người ông ta có một thứ hoa lệ. Đó là một viên trân châu lớn. Viên trân châu này được gắn trên vương miện của ông ta theo phong tục của người Mãn Châu. Ông ta không yêu cầu xa hoa, đạm bạc vượt quá khả năng tưởng tượng của tất cả mọi người. Điều này có thể thấy được ngay trên quần áo và đồ dùng sinh hoạt thường ngày của ông.”
Đế vương tiết kiệm, thì có thể lấy đức trị quốc, yêu quý hạ thần và bách tính, hiểu được thị phi ân nghĩa, mới có thể dành được sự ủng hộ chân thành của người dân trong thiên hạ, quốc gia mới có thể phồn vinh và an khang. Một người biết tiết kiệm, cũng có thể lấy đức trị gia, kính trọng phụ mẫu, yêu thương huynh đệ, không quên cảm ân nỗi vất vả của thê tử, vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, gia đình tự nhiên hòa thuận, cho nên nhà thuận vạn sự hưng.
Chúng ta thấy rằng quần áo của quân vương, của quan lại là khác với dân thường. Kỳ thực điều này bắt nguồn từ một điển cố xa xưa. “Kinh Thư – Ích tắc” ghi chép rằng: “Thuấn chế định y phục, dùng màu sắc, kiểu dáng, hoa văn, hình vẽ làm tiêu chí phân loại đẳng cấp, rồi ban cho người có đức hạnh, để họ làm việc vì bách tính”. Quần áo của quân vương quan lại mặc lên là để làm việc “vì bách tính” vậy.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa xa hoa đạo trị quốc đức tính tiết kiệm