2020: Công nhân đường sắt nghỉ cầm chừng hoặc bị cắt 5-13 ngày lương/tháng
- Sơn Nguyên
- •
Kết thúc năm 2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới đây ước tính số lỗ của riêng công ty mẹ hơn 1.300 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động được báo đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, song con số thực tế thấp hơn nhiều, chưa kể số lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ luân phiên không lương 5-13 ngày/tháng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa công bố hàng loạt con số bi quan tại buổi tổng kết năm 2020 vừa diễn ra ngày 8/1. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – ông Vũ Anh Minh báo sản lượng kinh doanh của tổng công ty chỉ đạt 6.828,6 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Mức doanh thu vận tải theo đó chỉ đạt 6.565,1 tỷ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ.
Khối doanh nghiệp vận tải chỉ đạt doanh thu hơn 2.909 tỷ đồng, giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Riêng công ty mẹ, doanh thu ước đạt 1.713 tỷ, giảm gần 34% so với cùng kỳ và dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng.
Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.
Về phần người lao động, thu nhập bình quân của người lao động trong ngành đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, giảm gần 14% so với năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế ngành đường sắt phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến nên nhiều lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc phải nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5 – 13 ngày công một tháng.
Lý giải về tình trạng trên, người đứng đầu tổng công ty, ông Minh cho rằng do ngành đường sắt chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), mưa lũ tại miền Trung, trong khi hạ tầng đường sắt lạc hậu, hạ tầng cũ kỹ nên khó cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Ngoài ra, hoạt động chạy tàu bị ảnh hưởng khi hơn 50 điểm chạy chậm hoặc phải phong tỏa do thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM trị giá 7.000 tỷ đồng.
Nhận định về tình hình sắp tới, ông Minh cho hay dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc mà kéo dài sang năm 2021; dự án 7.000 tỷ đồng thi công để đảm bảo tiến độ sẽ làm giảm năng lực chạy tàu thông qua (khoảng từ 25-30%); sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé sẽ tác động mạnh mẽ đến sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là vận tải hành khách.
“Với tình hình như hiện nay, vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty tại 2 Công ty cổ phần vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn và nỗ lực sản xuất kinh doanh trong những năm qua ở 2 đơn vị này sẽ bị xóa sạch trong 3 năm tới đây,” ông Minh nói.
Nhận định thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp, song ông Minh cho rằng do nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so nhu cầu, các dự án đều kéo dài hoặc đình trệ do không có sức hút đối với nguồn vốn tư nhân, và ngành chưa có bước đột phá tạo đà cho bứt phá phát triển.
“Đối với các loại hình khác sẽ tạo áp lực để có động lực thay đổi đầu tư hạ tầng. Nhưng đường sắt đường đơn nên không thể tự tạo cho mình áp lực. Vì thế cần có sự thay đổi về nhận thức xã hội và tư duy,” ông Minh nói.
Đại diện Bộ GTVT – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết nếu tính cả giai đoạn 2010-2020, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực đường sắt xấp xỉ 40.000-45.000 tỷ đồng, bình quân 4.000-4.500 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn chủ yếu để duy trì chạy tàu, bảo trì kết cấu hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Đông, hạ tầng là điểm nghẽn và yếu của ngành đường sắt nhưng không thể thay đổi trong thời gian ngắn mà cần trong thời gian dài về nhận thức, đầu tư, quản lý bảo trì. Các vấn đề khác như bộ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật bảo trì đầu tư hạ tầng đường sắt là “cực kỳ cũ và lạc hậu”, tái cơ cấu bộ máy của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chậm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động quản lý khai thác hạ tầng.
Ông Minh cho biết Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trình 41 tháng nhưng vẫn chờ Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ vào nhiệm kỳ mới. Việc tái cơ cấu bao gồm từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, nhân sự và mô hình tổ chức.
“Chúng ta không ở trong giai đoạn hành khách xếp hàng dài mua vé, cần giảm định biên nên buộc tái cơ cấu ở tất cả các vị trí, kiêm nhiệm bộ máy hành chính, sắp xếp các đơn vị phụ thuộc để quản lý các nguồn lực…,” ông Minh nói.
Thực tế, trước khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán gây đình trệ nhiều loại hình vận tải, từ đầu năm 2020, hơn 11.300 công nhân trong ngành đường sắt được công bố đã bị nợ lương nhiều tháng. Lý do là theo định kỳ đầu năm, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì đường sắt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chi trả cho các đơn vị hạ tầng; đến cuối năm sẽ quyết toán.
Từ cuối 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, không còn trực thuộc Bộ GTVT nên Bộ này không tiếp tục giao vốn. Tuy chuyển giao quản lý nhưng kết cấu hạ tầng đường sắt lại thuộc sự quản lý của Bộ GTVT, do đó, các dự án có liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng không thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, do đó việc giao vốn bị tắc nghẽn. Hết năm 2019, sang đầu năm 2020, việc đơn vị nào giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa được giải quyết dẫn đến tình trạng hơn 1 vạn lao động bị nợ lương.
Sơn Nguyên
Xem thêm:
TQ muốn hợp tác với VN về đường sắt nối Việt Nam – Trung Quốc – châu Âu
Từ khóa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tập đoàn nhà nước