Chùa Không Bụt
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Chùa mà bà nội, mẹ tôi và các cụ trong làng hay đi là Chùa Cống hay Chùa Không Bụt.
Ngôi chùa này nằm cách nhà tôi chưa đầy một cây số. Gần lắm. Ra khỏi cổng nhà tôi, rẽ phải, đi qua cầu Chẹm, lên dốc Bờ Gia-nơi bây giờ có Ủy ban nhân dân xã mới, rẽ phải rồi đi thẳng khoảng 5 phút là tới. Chùa nằm trên một ngọn đồi cao, nhìn ra cánh đồng gọi là Cửa Chùa. Sau lưng chùa là một dãy lớp học, sau lớp học là bãi bạch đàn và sau bãi bạch đàn là nhà dân. Ngay bên trái chùa là nghĩa trang liệt sĩ của xã và bên phải, qua mương nước là khu đầm của làng Hậu. Trên quả đồi này vừa có chùa vừa có trường học. Chùa vừa nằm trong trường học và trường học lại nằm trong đất của chùa!
Nghe có vẻ lằng nhằng khó hiểu nhỉ? Thật ra không có gì khó hiểu cả. Nơi đây vốn là đất chùa. Sau đó người ta xây trường học nên chùa nằm trong khuôn viên trường học. Sân chùa cũng chính là sân trường học. Thậm chí có thời, bên trong chùa, ngay trước điện thờ cũng là lớp học. Tôi học ở Chùa Không Bụt từ lớp 2 đến lớp 5.
Thông tin tôi đọc được từ sách, báo cho biết Chùa Không Bụt được xây trước năm 1713 và đến nay đã nhiều lần được trùng tu. Trong chùa vẫn còn một số cổ vật như cây hương đá dựng năm 1713 (triều vua Lê Dụ Tông), bát hương sành Phù Lãng (thế kỉ 19), mõ thờ…
Trong chùa, rất đặc biệt, không có một pho tượng Phật nào. Hồi nhỏ tôi nghe kể là xưa kia chùa cũng có thờ tượng Phật nhưng khi đặt tượng Phật trong chùa thì trong làng, trong xã xảy ra rất nhiều chuyện không hay. Vì vậy, các cụ đem tượng Phật thả xuống sông. Tượng trôi đi dạt vào làng phía dưới, người dân làng đó rước về chùa làng thờ và mọi việc trở nên yên ổn.
Chùa tuy nằm trên đất của làng Hậu nhưng người dân các làng trong xã nhất là làng Hậu, làng Sấu, làng Bến thường lên chùa thắp hương, làm lễ vào ngày rằm, mùng một. Bà nội và mẹ tôi cũng thường đi chùa này.
Hồi tôi học tiểu học, ngay sau dãy lớp học sau chùa là một bãi bạch đàn rất rộng nhưng bây giờ đã thành vườn nhà dân. Đằng trước chùa là một sân rộng, nơi chúng tôi thường đá bóng, chạy nhảy. Trước mặt sân chùa là một cái dốc rất cao. Lúc về chúng tôi thường phóng từ trên sân xuống dốc, đầy thằng ngã xước tay xước chân khi phóng xuống như thế. Hai bên dốc là dãy nhà văn phòng, thấp dần xuống bên dưới, một bên là vườn trường một bên là ao. Ở phía gần nghĩa trang có một cây gạo lớn. Mùa xuân hoa gạo nở đỏ rực. Bọn trẻ con thường lấy sỏi, đá ném cho hoa rụng xuống để ăn. Phần vỏ bọc đế hoa ăn có vị man mát, nhơn nhớt.
Tất cả các phòng học khi đó đều là nền đất, lợp ngói máng – loại ngói rất lớn. Trong lớp không hề có quạt điện hay điều hòa, thậm chí không có cả bóng đèn điện. Trời mưa lớp dột tứ tung, có khi không học được vì nước mưa rớt cả vào người và sách vở. Cho đến giờ vẫn còn lại vài ba lớp học hệt như hồi tôi học ngày xưa, khác chăng là người ta quét sàn xi măng và gia cố thêm phần mái bằng tôn cho khỏi dột. Cái khác biệt lớn nhất là người ta xây lại khu văn phòng và các dãy phòng học phía trước khang trang hơn. Nghe nói một hai năm nữa, trường tiểu học sẽ được di dời xuống khu Đồng Bến, tức cánh đồng xa xa trước mặt trường, nơi tiếp giáp giữa làng Lãn Tranh và làng Hậu. Đứng ở cổng trường có thể nhìn rõ khu văn phòng bề thế đã xây xong dưới đó. Chưa rõ khu trường cũ sẽ dùng để làm gì, người ta sẽ chuyển cơ quan gì đó về đây hay trả lại hoàn toàn cho Chùa Không Bụt. Trong thâm tâm, tôi mong nơi đây sẽ hoàn toàn trở thành đất của chùa.
Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “Cố hương muôn nghìn cảnh cũ đồ xưa”
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
Từ khóa ký ức tuổi thơ Nguyễn Quốc Vương