Khi tôi còn nhỏ, hồng là loại cây ăn quả rất phổ biến ở làng. Có hai loại hồng; hồng chốt và hồng vuông. Loại hồng chốt là loại cho quả dài, nhọn còn loại hồng vuông cho quả hình vuông, bẹt. Trong cả hai loại sẽ có cây cho quả không có hạt hoặc rất ít hạt, nếu có hạt cũng là hạt non mà chúng tôi gọi là cật, ăn rất ngon.

Khu vực Điếm Đông là nơi có nhiều vườn trồng hồng nhất. Bọn trẻ con vì thế thường loanh quanh tìm cách hái trộm. Khi hồng chín vàng, chín đỏ, sẽ có những người từ đâu đến đi xe máy hoặc xe đạp phía sau có hai cái sọt tới mua hồng. Cây hồng rất cao, cành hồng lại rất giòn dễ gãy nên để hái quả hồng họ sẽ phải dùng một dụng cụ gọi là “lóc”. Đấy là một cái sào tre có đầu phía trên được chẻ ra thành nan rồi đan phình ra tạo thành một cái bầu có chừa một lỗ. Người ta sẽ đứng ở dưới cầm sào điều khiển sao cho các quả hồng lọt vào trong lỗ đó rồi kéo. Quả hồng sẽ rơi vào trong cái bầu đó thay vì rớt xuống đất để rồi bị dập nát. Tuy nhiên, cây hồng thì cao, quả lại sum suê, trong đó có nhiều quả đã chín kĩ. Bởi thế, dù khéo mấy họ cũng vẫn làm rơi một số quả xuống đất trong lúc hái. Bọn trẻ con chỉ chờ có thế, chúng ào đến “a lô xô”, nghĩa là lao vào cướp lấy quả hồng vừa rụng xuống. Cũng chẳng thèm khát quá đâu nhưng làm thế chúng thấy vui.

Hồng chín cây dù đã chuyển màu đỏ chót ăn vẫn có vị chát. Muốn hết vị chát đó phải để thêm một hai ngày sau khi hái xuống. Nếu hái chúng xuống khi mới chớm chuyển màu thì thường người làng sẽ rấm chúng trong nồi đất có ủ thêm lá xoan. Đối với hồng xanh, muốn ăn được thì phải ngâm. Người ta sẽ rửa sạch chúng, lấy tăm tre đục những lỗ nhỏ ở xung quanh cuống sau đó ngâm vào nước tro để nhựa bị hút ra ngoài. Vài ngày sau, quả hồng hết chát ăn vừa bùi vừa giòn. Trẻ con cũng có khi ăn cả hồng xanh. Có cây ăn cũng không đến nỗi chát lắm nhưng cái đáng sợ sau khi ăn xong món này là dễ bị… tắc đít khi đi ị vì phân đóng lại cứng như… sắt.

Ở sau nhà ông Muộn gần ngay sân Điếm đội hai có vườn hồng toàn những cây đã trồng lâu năm. Mùa hồng chín đủ các loài chim bay đến đây ăn hồng. Bọn trẻ con thường mò tới đây bắn chim hoặc xem chúng ăn hồng. Đông nhất là lũ chào mào, sau đến liếu tiếu và lướt thướt. Những con chim lướt thướt có lông đuôi dài làm cho bọn trẻ con thích mê hồn. Nhưng lũ trẻ chỉ có thể đứng dưới ngửa cổ ngắm chúng trên cao. Suốt tuổi thơ tôi chưa thấy đứa trẻ nào bắt hay bắn được một con chim lướt thướt dù chỉ là chim non.

Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “Cố hương muôn nghìn cảnh cũ đồ xưa”

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm: