Bây giờ nhiều nhà ở làng, trong đó có nhà tôi không nuôi trâu bò, cũng chẳng nuôi lợn.

Nhà tôi không nuôi lợn, không nuôi trâu bò từ lâu vì khi các con đi học, đi làm, lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng bố mẹ tôi không còn bị thúc ép bởi tiền bạc, hơn nữa ông bà cũng đã già, có nuôi cũng chẳng thể chăm nổi nên bỏ. Trong vườn rộng sau nhà bố mẹ tôi thả vài con gà làm vui. Nhiều nhà khác trong làng cũng bỏ không nuôi vì liên tiếp nhiều năm hết dịch nọ đến dịch kia, nào là dịch tai xanh rồi thì dịch tả châu Phi đã làm lợn chết như ngả rạ. Từ ao, đầm tới sông ngòi, chỗ nào cũng thấy xác lợn lớn nhỏ trương phềnh. Một vài lần như thế người ta vừa sợ, vừa cụt vốn không thể chăn nuôi gì được nữa. Cũng có nhà muốn nuôi để tận dụng thức ăn thừa nhưng con cái cũng đi làm công ty cả, đành bỏ.

Ít người nuôi lợn, làng đỡ bẩn hẳn. Không thấy cảnh phân và nước đái lợn chảy tràn ra đường và khắp nơi bốc lên mùi hôi hối của chuồng lợn nữa. Lợn ăn cám công nghiệp và sử dụng đủ thứ thuốc có phân và mùi mồ hôi khiếp gấp cả chục lần lợn chỉ ăn rau khoai lang và cám gạo ngày xưa!

Những ngày tôi còn ở làng, nhà nào cũng có chuồng lợn. Tuy không đến mức lợn sống cùng người và đất đai cũng không quá chật chội nhưng chuồng lợn nhiều nhà làm rất gần khu nhà ở hoặc nhà bếp. Thường thì từ cổng đi vào sẽ đi qua chuồng lợn. Ban đầu, chuồng lợn được dựng lên rất đơn sơ, chỉ bằng cách đóng các cọc gỗ, cọc tre ở xung quanh, trên gác que che mái rạ. Dần dần người ta đắp tường bằng cay đất ba bên, phía trước dựng cọc làm tường cho thoáng, trên lợp pro xi măng hoặc ngói. Nền chuồng vẫn là nền đất, lợn tha hồ ỉa đái và ủi bậy lung tung khắp nơi. Người dân dùng rạ và rơm rải vào nền chuồng, vừa để lợn có chỗ nằm, vừa để phân và nước đái lợn ngấm vào tạo thành phân chuồng. Nhiều nhà nhốt chung trâu, bò với lợn. Có trâu bò dẫm phân rất nhanh ngấu.

Khi lớp phân dày lên nền chuồng lầy lội thì người ta phải vào trong chuồng dùng cuốc cào cào phân cho vào quang gánh ra ngoài đổ vào chuồng phân để ủ hoặc sau đó gánh ra ruộng. Đây là công việc… hãi hùng, ai không phải là người thôn quê, sống với trâu bò, lợn gà thì chỉ nhìn chuồng lợn thôi đã nôn ọe, không thể ăn được cơm nói gì tới cào và gánh phân. Thế nhưng mọi người ở quê lớn bé, già trẻ đều làm rất thản nhiên. Không găng tay, không ủng, không kính. Chân dẫm ngập trong phân và nước đái, thi thoảng cuốc cào bổ phải tảng phân to quá kéo lên không nổi thì dùng tay trần để gỡ. Làm xong rửa tay cỡ nào cũng vẫn có mùi… phân. Đành phải lấy lá chanh hay lá xương sông, những loại lá cây có tinh dầu cho mùi rất mạnh xát vào tay, chân để át đi mùi… phân.

Cái chuồng lợn nhà tôi tuy nằm xa nhà bếp, lối đi, bình thường đi vào nhà không phải đi qua chuồng lợn và cũng không nhìn thấy, ngửi thấy mùi phân nhưng cứ mỗi khi mưa nước mưa lại chảy vào. Khi đó lại phải dùng gáo hay cái thau sắt tát nước từ chuồng lợn ra. Cũng không hiểu tại sao nhưng nếu chỉ có phân và nước đái trâu, bò, lợn thuần túy thì cho dù có dẫm chân trần trong đó bao lâu cũng vô sự, chỉ cần cọ rửa sạch, dùng lá cây khử mùi là ổn nhưng nếu có nước mưa tràn vào thì sau khi lội vào đó dù có rửa xà phòng thật kĩ kiểu gì chân tôi cũng bị nấm – tức là bị nước ăn chân. Ngứa và khó chịu vô cùng.

Có những nhà khi làm chuồng lợn, chuồng trâu không cân nhắc đến vệ sinh đã đặt nó ở quá gần nhà ở, nhà bếp hoặc giếng. Kết quả là nước giếng có cả mùi… phân lợn và mùi phân bay thẳng vào nhà ngay cả lúc ăn lúc ngủ. Người nơi khác, nhất là người thành phố vào chơi có khi gia chủ nước rót ra mời cũng chẳng dám uống. Cho dẫu thế, ở quê sống mãi cũng quen, người ta coi nó là thường. Cả khách lẫn chủ chẳng coi đó là vấn đề gì cả. Đang ăn cơm, uống nước, có con ruồi ngã lăn quay vào chén nước hay bát mắm, bát canh, họ lấy cái tăm hay cái đũa gợt con ruồi ra rồi lại ăn, uống như thường.

Vì nuôi lợn, trẻ con trong làng, nhất là con gái bé tí đã biết băm rau, nấu cám. Thường thì ngày nấu hai nồi cám, buổi trưa và buổi tối. Quãng thời gian băm rau nấu cám cũng là quãng thời gian trai gái choai choai giải trí. Bạn bè đến chơi, vừa làm vừa tán nhảm đủ thứ. Trai đến nhà gái để tán tỉnh cũng sà vào bếp rút rơm cho các nàng nấu cám. Có anh chỉ hai buổi rút rơm như thế là hỏi được vợ.

Dần dần, tường chuồng lợn đắp cay được thay bằng tường gạch và nền đất được thay bằng sàn bê tông. Người ta cũng không rải rơm, rạ vào chuồng nữa. Thay vào đó người ta dùng vòi nước lấy nước từ giếng khoan để xịt rửa. Tưởng rằng làm thế thì cả chuồng và lợn sạch hơn nhưng lợn nuôi bằng cám công nghiệp ỉa rất nhiều và phân cực thối. Nước rửa chuồng chảy tràn ra đường làng tạo ra cảnh tượng khủng khiếp. Sau đó thì nước này chảy vào chỗ trũng tích lại hoặc tất cả chảy xuống ao, ngòi. Những cái ao giữa làng xưa kia nước có thể tắm, là nơi sống của đủ loại tôm cá cua ốc giờ đây bỗng trở thành những cái bể phốt lộ thiên trời nắng bốc mùi khủng khiếp. Ai đi qua cũng phải bịt mũi.

Cảnh tượng ghê rợn ấy chỉ chấm dứt khi dịch lợn tai xanh, dịch tả châu Phi quét qua quét lại vài lần. Vài lần lợn chết là người ta sợ không nuôi nữa. Dòng tiền đổ về làng bây giờ chủ yếu đến từ các thanh niên đi làm ở các công ty và những người đi làm thợ xây xa nhà, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Những cái chuồng lợn bị bỏ không hoặc được phá đi làm vườn. Bố tôi cũng phá hết khu chuồng trại cũ biến thành nơi trồng cây ăn quả. Mấy đứa con nhà tôi mỗi lần về quê muốn đi xem lợn lại phải đi lên nhà ông chú. Nhìn lũ trẻ con chỉ trỏ hò reo trước chuồng lợn nhà ông chú, tôi nghĩ thầm “rồi dần dần cũng giống Nhật mà thôi”. Ở Nhật, người ta ăn thịt gà, thịt lợn, thịt bò nhưng đa số người Nhật chỉ nhìn thấy những khay thịt đó bán trong siêu thị, rất ít người trực tiếp nhìn thấy bò, gà, lợn. Bởi thế mà có những sinh viên vẽ tả thực con gà có… ba chân. Muốn thấy những con vật ấy người ta phải đi rất sâu vào núi ở vùng nông thôn tới tận các trang trại nuôi theo kiểu công nghiệp. Tôi đã từng đi làm phiên dịch rất nhiều lần cho các trang trại như thế khi còn học ở Nhật. Mỗi trang trại nuôi tới hàng vạn con. Lượng phân thải ra lớn khủng khiếp. Dù đặt xa dân cư, với người Nhật ở xung quanh, các trang trại này vẫn là một nỗi ám ảnh. Trẻ con Nhật muốn xem lợn, gà, bò thường sẽ phải đến du lịch trải nghiệm ở trang trại hoặc chờ những dịp đặc biệt nào đó người ta bắt mấy con gà con mang đến công viên, bãi cỏ thả vào bãi đất được quây lại để cho bọn trẻ xem hoặc sờ. Bọn trẻ thích đáo để. Chúng xếp hàng vào sờ gà con dài như con rồng uốn khúc.

Trên chuồng lợn, chuồng trâu quê tôi thường có gác rơm. Người ta gác lên tường các cây tre, cây bạch đàn làm thành cái sàn và chất lên đó các bó rơm, bó rạ. Bọn trẻ con hay chui rúc vào đó chơi trốn tìm, đánh trận giả, đôi khi ngủ khoèo luôn ở đó vì rất ấm.

Rất nhiều thế hệ trẻ con ở làng đã vui chơi như thế. Tôi nhớ mãi bố tôi hay kể lúc nhỏ bố tôi chơi trên ổ rơm với mấy bà chị họ, đang chơi, bố tôi nghịch thế nào mà lọt qua khe hở các que gác trên mái rơm ngã phịch xuống đống phân trâu. Một bà chị họ phải trèo xuống lôi bố tôi ra bờ giếng dội nước tắm cho sạch hết phân. Trong mấy bà chị họ chơi cùng bố tôi ngày ấy, có hai ba người giờ đã thành người thiên cổ.

Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “Cố hương muôn nghìn cảnh cũ đồ xưa”

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm: