Xã tôi xưa kia có 8 làng: Sấu, Bến, Hậu, Hương, Nguộn, Xuân Tiến, Lãn Tranh, Liên Bộ. Gần đây làng Lãn Tranh được chia làm 3 thôn (làng) là Lãn Tranh 1, Lãn Tranh 2, Lãn Tranh 3 nâng tổng số làng trong xã lên con số 10.

Điều thú vị là tuy sống cùng một xã, không bị ngăn trở về địa lý đáng kể, thường xuyên giao lưu với nhau thông qua cưới hỏi, tang ma, cỗ bàn, đi chợ, thăm hỏi… nhưng người ở 8 làng nói tiếng Việt với âm điệu khác hẳn nhau. Tiếng nói mỗi làng đều có đặc trưng riêng, đặc biệt là khi nói những từ bắt đầu bằng các chữ cái như r, s, x, tr, ch, l, n. Cách nhấn nhá vào từng từ cũng rất khác nhau.

Chưa hết, ở xã tôi những từ ngữ, cách nói có tính chất địa phương rất đậm đặc. Người từ nơi khác đến mà sinh sống ở xã tôi có khi không hiểu hết.

Trong bài này tôi xin dẫn ra khoảng gần 20 từ, cách nói rất phổ biến ở làng tôi nhưng có thể nó sẽ xa lạ với những nơi khác. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học nên chỉ viết chơi chơi thôi. Ai có chuyên môn có thể nghiên cứu và khám ra nhiều điều thú vị cũng nên.

1. Tống rước

Từ này chỉ việc hay hóng chuyện, hay tham gia nghe lỏm, quan sát, can dự vào những chuyện không thuộc về mình, không liên quan đến mình. Ví dụ, khi thấy ở đình có tiếng trống chèo, đứa con gái mới lớn đang băm rau lợn liền dừng tay chạy ra cổng hóng, khi ấy bà mẹ sẽ nổi cáu mắng:

– Đừng có mà tống rước! Tao thì đập cho!

2. Trẫng

Từ này chỉ việc người ta đi đến nhà ai đó, dự sự kiện nào đó nhưng nhà đó không có ai ở nhà, sự kiện không diễn ra vì sai lịch, nhầm lịch hoặc sự cố nào đó.

Ví dụ anh Tèo thấy anh Tí đi xem hội về mặt mày chưng hửng liền hỏi “Tí, hội có gì không mày?”. Tí buồn bã đáp “Trẫng mẹ nó rồi. Có xem được đâu. 18 mới có cơ”.

3. Trụt

Từ này chỉ việc học sinh bị ở lại lớp hay lưu ban. Ví dụ “Thằng Tèo nhà tôi năm nay bị trụt bà ạ. Thế mới khổ, học dốt như con bò lại nghịch”.

4. Bọ vần

Chỉ ai đó hay cái gì đó rất bẩn, rất mất vệ sinh. Ví dụ: “Eo! Mày ăn cả nhộng ong á? Đúng là đồ bọ vần”.

5. Lỗng

Từ này chỉ việc trẻ con làm nũng, mè nhẽo, vòi vĩnh bố mẹ để thỏa mãn ý thích của bản thân. Ví dụ ông bố mắng con: “Lỗng nó vừa thôi. Cho mấy phết vào đít bây giờ”.

6. Lồm

Từ này chỉ việc ăn tham, ăn ngấu nghiến, ăn nhiều, ăn rất tục. Đôi khi nó còn có hàm ý không tiếc, không hà tiện vật chất. Ví dụ chủ nhà đãi cơm khách thấy khách rụt rè không dám ăn uống tự nhiên liền nói:

“Ấy bác cứ tự nhiên cho. Nhà tôi ăn lồm lắm!”.

7. Ron

Hơi khó diễn giải nghĩa của từ này một cách đơn giản. Đại khái nó có nghĩa như là “thảo mai”, “giả vờ khiêm tốn”. Ví dụ hai người đàn bà bàn luận về ruộng lúa của nhà nhau. Chị Thắm có ruộng lúa rất tốt nhưng khi chị Nụ khen “Eo ôi, lúa nhà chị năm nay tốt thế” thì cứ ra sức chê bai ruộng lúa nhà mình để tỏ ra khiêm tốn kiểu “Đâu có đâu. Lúa nhà em toàn bị sâu đục thân ăn thôi. Chuột lại cắn khắp cả”… Thế là chị Nụ cứ phải khen mãi, khen mãi. Bất chấp điều đó, chị Thắm cứ tự dìm hàng ruộng lúa nhà mình mãi. Cuối cùng chị Nụ phải bảo “Thôi đừng có mà ron nữa!”.

8. Hao

Từ này được dùng với nghĩa là tốn kém, xa xỉ. Ví dụ: “Đừng có nấu ba ba. Cỗ làm như thế thì hao lắm”.

9. Bữa

Từ này được dùng để chỉ việc người ta thu hoạch được cái gì đó kha khá. Ví dụ anh Tèo đang tát nước ở ven đường thì nhìn thấy anh Tí đi tát vét về vai vác khau vật (gàu sòng) tay xách giỏ liền hỏi: “Tát vét ở Chầm Sông về đấy à, bữa không?”.

10. Nẩy

Từ này chỉ trạng thái lầy lội, bẩn thỉu, thường là chỉ đường làng ngày mưa hay chuồng phân, chuồng lợn…

Ví dụ bà vợ nói với chồng: “Chuồng lợn nhà mình nẩy quá! Tí bố nó vào cào phân ra đi!”

11. Khuẩn

Từ này chỉ phân lợn đã trộn với rơm, rạ ở trong chuồng lợn. Cũng có khi nó chỉ phân chuồng đã được ủ hoai mục, được gánh ra ruộng. Ví dụ bà mẹ quát con: “Nhanh nhanh gánh khuẩn ra Đồng Ngòi cho tao. Nước về đầy đồng mà mày vẫn lần chần ở đó làm gì?”

12. Độc ngầm

Từ này có nghĩa giống như là “thâm độc”, “ác ý” hoặc “thâm hiểm”. Nó chỉ các hành vi, kiểu người nói thì ngọt ngào nhưng cư xử, hàng động thì độc ác, vô nhân tính. Ví dụ chị Thắm nói ngầm với chồng ở nhà bếp: “Bố nó đừng có sang nhà lão Tí Chột chơi nữa. Nhà nó độc ngầm lắm. Bố con nó chuyên cắm chông ngâm nước đái ở ruộng dưa đấy”.

13. Sai

Từ này có nghĩa là “rất nhiều” hoặc “mắn”. Ví dụ nhìn thấy chó nhà chị Thắm đẻ nhiều con chị Nụ bảo “Ôi, chó nhà chị đẻ lứa này sai thế!”.

14. Dẩng

Từ ngày có nghĩa như “động cỡn”, “động tình” hoặc có thể diễn tả nôm na và thô tục hơn bằng nhiều từ khác (mà tôi ngại liệt kê ra đây).

Ví dụ chị Thắm và chị Nụ vừa rửa cỏ ở bến ngòi vừa tán chuyện với nhau.

Chị Thắm: Này thấy bảo chiều nay ở đình có hội vật đấy. Làng mình có tay Tèo ra vật… Èo thằng đấy nó mới to khỏe làm sao. Chiều mình ra xem tí đi.

Chị Nụ (đỏ mặt): Có mà dẩng à? Người ta cười chết.

16. Bú nhè

Từ này diễn tả ai đó, thường là trẻ con nhút nhát hay khóc, mau nước mắt. Những thằng trẻ con thuộc diện “bú nhè” hay bị bọn trẻ chế giễu và không cho chơi cùng.

Ví dụ bọn trẻ đang đá bóng cuốn lá chuối ở sân điếm nhưng thiếu một người. Ở trên thềm điếm Cu Tèo đang ngồi một mình nhìn lũ trẻ. Thằng Tí, thủ lĩnh của lũ trẻ làng hỏi bọn trẻ “Hay cho thằng Tèo vào đá cho đủ người?”. Nghe thấy thế cả lũ nhao nhao “Thôi thôi thôi! Thằng đấy bú nhè bỏ mẹ. Cho nó đá tí nó ngã bú nhè ai dỗ?”.

17. Thỗng

Từ này chỉ việc người ta đang đi bỗng nhiên bị thụt chân vào một cái hố nào đó. Ví dụ bọn trẻ đang đội quần áo lên đầu lội qua một con đường ngập nước để đến trường. Thằng lớn nhất đi đầu quay lại nhắc bọn đi sau: “Cẩn thận không thỗng đấy! Tao nhớ từ chỗ này trở đi có mấy cái lải”. Ý thằng lớn dặn bọn đi sau phải dò chân thật cẩn thận kẻo thụt chân xuống mấy cái “lải” (rãnh) mà người ta đào qua đường cho nước chảy.

Các bạn muốn thực hành tiếng làng Sấu sau khi đọc bài này thì cứ về làng Sấu – cố hương của em nhé.

Roi xa moi nhan ra 01
Ảnh: Đường làng Sấu do nghệ sĩ Hữu Thông chụp.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm: