Cối giã lạc, cối đá, cối xay bột
- Nguyễn Quốc Vương
- •
…Ngoài cối giã gạo đã kể ở trên, trong nhà tôi còn có một cái cối nhỏ bằng gỗ được tiện rất khéo. Cái cối này chắc bố mẹ tôi mua ở chợ. Đường kính của cối chỉ lớn chừng một gang tay người lớn. Nó được tiện cẩn thận, lòng nhẵn thín. Cối này được dùng để giã vừng, lạc, thính… Lúc bé tôi rất thích được mẹ sai đi giã lạc. Đó là vì vừa được nghịch vừa được bốc vụng lạc ăn! Người lớn giã thì giã bằng một tay, tay còn lại họ giữ cối. Tôi nhỏ, tay yếu không thể cầm chày gỗ bằng một tay nên phải dùng hai bàn chân kẹp chặt cối còn hai tay nâng chày giã thật lực. Mẹ tôi nhìn thấy thế kêu hốt hoảng “Thằng quỷ sứ giã vừa thôi không vỡ cối!”. Cối không vỡ nhưng sau có bị nứt một đường nhỏ dọc thân cối thật. Không rõ có phải là do tôi giã quá mạnh không.
Ở những nhà khác trong làng còn có thêm cối đá và cối xay bột. Cối đá được tạo ra bằng cách khoét rỗng một phiến đá lớn nguyên khối. Tôi cũng không rõ họ dùng công cụ gì mà khoét được sâu và nhẵn thế. Thò tay vào trong thấy nhẵn thín như bào. Nhà bà nội tôi cũng có một cái cối đá xanh to tướng như thế. Bình thường chú tôi lật úp nó đặt sát bậc thềm làm bậc lên xuống. Vào dịp giỗ, Tết hay có đám cưới chú tôi sẽ lật nó lên, rửa sạch làm cối giã giò. Ban đầu các chú và bố tôi giã giò bằng tay. Phải nhìn họ giã giò các bạn mới thấy công việc này cần sức khỏe thế nào. Hãy tưởng tượng mỗi tay họ cầm một cái chày gỗ to tướng, mỗi cái chày cũng phải nặng 2-3kg. Họ sẽ giã liên tục cái chày đó xuống cối nhịp nhàng cho đến khi thịt lợn thái trong cối nát mịn ra như bột. Trong lúc giã không được thong thả mà phải thật nhanh, nhịp nhàng vì nếu giã lâu kiểu cò cưa thịt sẽ bị hỏng, làm giò không ngon nữa. Thanh niên nào thích khoe cơ bắp, thích thể hiện là mình khỏe thì xin mời cứ thử món này. Tôi đảm bảo chỉ một lát là thở qua tai!
Cối đá này cũng được nhiều nhà dùng để đập lúa. Người ta úp ngược cối hoặc úp nghiêng nó vào tường rồi quật lượm lúa vào đó cho thóc rơi ra. Bố tôi khi ngồi trên chiếu trải trước hiên nhà hóng gió, ngắm sao trời cùng với các con trong những đêm hè còn kể ở làng tôi xưa kia có nhiều cụ giỏi võ thường dùng cối đá để luyện công. Cứ đêm trăng sáng các cụ lại vác cối đá đi quanh sân. Có cụ kinh hơn còn đục thủng cối đá để mỗi đêm xỏ tay vào hai cái cối đá thủng rồi nâng nó lên đi vài vòng quanh sân. Nghe bố tôi kể tôi tròn mắt ngạc nhiên lắng tai nghe. Cái cối đá nặng thế mà các cụ mỗi tay nâng được một cái lại đi được quanh sân mấy vòng thật là khủng khiếp. Nhưng mà chắc phải đúng như thế chứ, lẽ nào bố tôi lại bịa. Ông Đề Thám quê tôi đã chẳng đánh Pháp suốt 30 năm còn gì. Chắc chắn ông cũng là một võ sĩ khỏe vô địch. Người theo ông chắc cũng toàn tráng sĩ. Có lần vào nhà bà nội chơi, lừa lúc vắng người tôi thử bám hai tay vào nhấc thử cái cối đá úp ở dưới bậc thềm. Nó lì ra không nhúc nhích tẹo nào. Thử hai ba lần đều thất bại, tôi vừa lấy chân đá vào thành cối vừa thầm thán phục các cụ ngày xưa.
Có một loại cối khác cũng làm từ đá nhưng nhỏ hơn là cối xay bột. Cối này có đường kính khoảng 30-40cm. Người ta dùng cối này để xay thính, bột làm bánh, bột làm mì… Nhà tôi mỗi khi cần xay bột làm bánh trôi nước hay bánh dợm đều sang xay nhờ nhà hàng xóm. Mỗi lần như thế mẹ lại gọi tôi đi cùng để tôi quay cối cho mẹ. Tôi đi ngay vì đấy là cơ hội để nghịch cối thỏa thích. Quay loại cối này ban đầu nặng ra trò nhưng dần dần khi cối ướt, bột đã trơn thì nó quay êm ru. Vừa quay vừa nhìn nước lẫn bột chảy xuống cái thau bên dưới thật thích.
Rất nhiều lần tôi ao ước nhà tôi có một cái cối như thế nhưng ước mơ ấy không thành. Cho đến giờ trong nhà tôi vẫn chưa có cái cối ấy.
Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “Cố hương muôn nghìn cảnh cũ đồ xưa”
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời độc giả liên hệ đặt sách
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
Từ khóa ký ức tuổi thơ Nguyễn Quốc Vương